04:08, 17/08/2011

Nạn trộm cắp điện diễn ra phức tạp

Nạn trộm cắp điện đang diễn ra ngày càng phổ biến, ở cả khu vực sản xuất - kinh doanh và hộ gia đình. 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 42 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện bị thất thoát gần 90 nghìn kWh.

Nạn trộm cắp điện (TCĐ) đang diễn ra ngày càng phổ biến, ở cả khu vực sản xuất - kinh doanh và hộ gia đình. 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 42 vụ TCĐ với sản lượng điện bị thất thoát gần 90 nghìn kWh. TCĐ không chỉ gây tổn thất điện năng đối với ngành Điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện; không chỉ vậy, hành vi TCĐ còn bị xử phạt vi phạm pháp luật theo Nghị định 68/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Mới đây, UBND huyện Diên Khánh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình bà Bùi Thị Chín, thôn Phú Hậu, xã Suối Hiệp vì có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Cụ thể, gia đình bà Chín đã bị xử phạt 3,5 triệu đồng do can thiệp bên trong hệ thống đo đếm điện để trộm cắp hàng trăm kWh điện. Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ TCĐ diễn ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Xuân Viên - Phó Trưởng phòng Kinh doanh phụ trách kiểm tra sử dụng điện Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: “Bên cạnh sự gia tăng về số vụ, các hình thức TCĐ cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, từ câu trộm trước công tơ, can thiệp bên trong công tơ, phá chì niêm nắp chụp, hộp bảo vệ, nắp bọt công tơ đến tác động vào sơ đồ đấu dây trước công tơ, sử dụng máy tạo dòng, hòa hơi 2 điện kế… gây tổn thất điện năng lớn cho Công ty”.

Hành vi trộm cắp điện gây tổn thất điện năng và rất dễ gây tan nạn điện (Trong ảnh: Nhân viên Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa vệ sinh hệ thống đường dây truyền tải điện nhằm giảm tổn thất điện năng).

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ vi phạm sử dụng điện; trong đó có 26 trường hợp câu trực tiếp lên lưới, 10 trường hợp phá chì niêm, 4 trường hợp đảo cực tính hòa hơi, 2 trường hợp phá chì niêm bọt công tơ. Tổng sản lượng điện tổn thất gần 90 nghìn kWh; trong đó, Điện lực Trung tâm Nha Trang tổn thất gần 40 nghìn kWh, chiếm 44,42%; điện lực Ninh Hòa tổn thất hơn 21,4 nghìn kWh, chiếm 24%, điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn tổn thất hơn 12,7 nghìn kWh, chiếm hơn 12,7%; điện lực Vĩnh Hải tổn thất gần 6 nghìn kWh, chiếm 6,56%…; tổng số tiền truy thu hơn 207 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết: “TCĐ là việc làm tiêu cực, tiềm ẩn trong nhiều hộ sử dụng điện. Đặc biệt, từ khi giá điện tăng, nạn TCĐ diễn ra nhiều hơn ở các hộ gia đình; nhiều gia đình ở nông thôn, trong nhà chỉ có vài thiết bị sử dụng điện như: ti vi, quạt máy, đèn chiếu sáng nhưng cũng TCĐ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị hữu quan chưa chặt chẽ, hình thức xử lý chưa mang tính răn đe… là những nguyên nhân khiến nạn TCĐ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. TCĐ không chỉ gây tổn hại đối với ngành Điện mà còn rất nguy hiểm đối với người trộm cắp bởi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện rất lớn. Đã có nhiều trường hợp tai nạn điện dẫn đến chết người mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc TCĐ”.

TCĐ không chỉ dẫn đến nguy cơ tai nạn điện mà hành vi này còn bị xử lý theo pháp luật. Theo quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực quy định tại Nghị định 68/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền có thể lên đến 30 triệu đồng đối với trường hợp trộm điện sinh hoạt, 40 triệu đồng đối với hộ sản xuất, kinh doanh. Mức phạt này cao gấp 5 - 6 lần so với quy định mức phạt của năm 2010, cao gấp 4 lần so với giá trị lượng điện bị đánh cắp. Những trường hợp vi phạm phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày, nếu cố tình không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế. Ngay cả những hộ nghèo không có khả năng nộp phạt cũng bị cưỡng chế theo pháp luật. Trước hết, sẽ bị thu hồi công tơ, không cho sử dụng điện, hoặc có thể tịch thu tài sản tương ứng với số tiền để đảm bảo việc chấp hành. Nếu trộm cắp với số lượng lớn (trên 3.000kWh), người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổn thất điện năng không chỉ do các yếu tố kỹ thuật, vận hành, hiện trạng chất lượng điện mà còn bởi tình trạng TCĐ. Để phòng, chống nạn TCĐ, điều quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện; tuyên truyền về chủ trương tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả và an toàn. Ngành Điện cần chủ động bảo vệ tốt các mạch điện trước công tơ, công tơ điện cần được treo tại những địa điểm thuận tiện cho việc quản lý, kiểm tra; tăng cường công tác kiểm tra đường dây, thường xuyên đối chiếu điện năng tổn thất của khu vực và điện năng tiêu thụ của những khách hàng bất thường… Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền địa phương và ngành Điện trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nạn TCĐ cần được chú trọng hơn nữa để góp phần hạn chế tình trạng này.

BÍCH LA