Ngày 15-8, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học mới - năm học 2011 - 2012. Với chủ đề “Năm học tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục"...
Ngày 15-8, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai nhiệm vụ năm học mới - năm học 2011 - 2012. Với chủ đề “Năm học tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD”, năm học này, toàn ngành sẽ tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) một cách thiết thực, cụ thể để phấn đấu tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng hơn so với năm học trước.
° Chấm dứt tình trạng “dạy chay”, “học chay”
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, ông Lê Tuấn Tứ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: “Năm học 2011 - 2012 phải phấn đấu chấm dứt một cách căn bản tình trạng “dạy chay”, “học chay” ở tất cả trường học”. Để làm được điều này, từng cấp quản lý GD và từng đơn vị, trường học phải tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá HS một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với thực tiễn của từng trường, lớp nhằm phấn đấu tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng hơn so với năm học trước. Coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả trường phổ thông và cũng là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý GD. Thí điểm việc lấy ý kiến HS về thái độ, phương pháp và chất lượng dạy học của giáo viên (GV) ở một số trường để có thể triển khai ra diện rộng. Đặc biệt, phải lưu ý cải tiến hình thức dạy học, hoạt động của các môn có tính đặc thù như Giáo dục công dân, Thủ công - Kỹ thuật, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục - thể thao…
Học sinh trong giờ thực hành môn Tin học. |
Ông Tạ Quang Sum, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo (Cam Ranh) cho biết, để chấm dứt tình trạng “dạy chay”, “học chay” thì việc thay đổi phương pháp giảng dạy là hết sức quan trọng. Thay đổi phương pháp giảng dạy có nghĩa là phải làm mới người thầy về tâm lý sư phạm - phong cách sư phạm và nội dung sư phạm. Trong hoàn cảnh phương tiện làm việc còn thiếu thốn, sự thiếu tương hợp giữa mục tiêu đào tạo và giải pháp GD, đối tượng HS chưa chủ động trong học tập, cả người dạy lẫn người học chưa dễ dàng rời bỏ thói quen rao giảng và tiếp thu thụ động… thì việc thay đổi phương pháp giảng dạy là thực hiện một quá trình cải tổ, chuyển đổi sư phạm đòi hỏi mức độ tế nhị và trình độ nghệ thuật cao. “Hiệu trưởng nhà trường phải giao quyền chủ động cho GV giảm tải từng tiết học mà vẫn bảo đảm nội dung quan yếu. Thao giảng - dự giờ phải vượt ra ngoài mục đích thi đua, lấy việc nâng cao tay nghề làm nguồn động lực. Đặc biệt, các tiết thao giảng không rải bình quân kiểu nghĩa vụ mà tập trung phần lớn vào GV giỏi nhằm giới thiệu hình mẫu tích cực cho việc học tập và nhân rộng kinh nghiệm sư phạm điển hình”, ông Tạ Quang Sum chia sẻ.
° Dạy chữ đi đôi với dạy người
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, trong năm học 2011 - 2012, ngành GD-ĐT còn đặc biệt lưu ý đổi mới các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp của HS; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các lực lượng xã hội để quản lý HS tốt hơn ở cả trong và ngoài nhà trường. Ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh: “Toàn ngành kiên quyết làm chuyển biến công tác GD an toàn giao thông với các biện pháp cụ thể hơn nữa; tích cực ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường; coi trọng công tác GD văn hóa, tư tưởng với các hình thức phù hợp lứa tuổi HS; chăm lo đầy đủ GD sức khỏe, thể chất và y tế học đường…”. Để làm được điều này, các trường phải tổ chức nhiều hoạt động để HS ngoài học tập còn được vui chơi giải trí, giúp các em phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời qua đó hình thành nhân cách và lối sống trong cộng đồng. Bản thân mỗi GV cũng phải đổi mới cách tiếp cận và chăm sóc HS. Đổi mới cách tiếp cận để thầy trò gần nhau hơn, từ đó mới hiểu hoàn cảnh và tính cách của từng HS. Ông Tạ Quang Sum chia sẻ kinh nghiệm: “Với HS chỉ có lời khen, lời động viên, không có lời chê”. Có như vậy mới khích lệ HS tham gia tích cực các hoạt động GD.
Để phát huy dân chủ, mỗi đơn vị trường học cần tổ chức một “Hòm thư góp ý” để HS được phát biểu cảm nghĩ của mình về thầy cô, bạn bè, trường lớp, về những chủ trương và giải pháp mà nhà trường đã triển khai… Những ý kiến đóng góp này sẽ là nguồn tác động để mỗi thầy cô giáo, nhà trường và HS điều chỉnh hành vi cũng như tăng cường trách nhiệm của mình. “Đây là giải pháp rất hiệu quả đã được một số trường học tổ chức và cần tiếp tục được nhân rộng, phát huy trong năm học này. Bên cạnh đó, toàn ngành phải gắn chặt đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá với cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” để nâng cao chất lượng GD toàn diện, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta hiện nay”, ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
THU HIỀN