06:08, 12/08/2011

Nhiều chuyển biến trong đổi mới quản lý giáo dục

Năm học 2010 - 2011, ngành Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo nên một số chuyển biến mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ kịp thời.

Năm học 2010 - 2011, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo nên một số chuyển biến mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ kịp thời.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2010 - 2011, các cấp học, ngành học đều giữ vững quy mô tăng trưởng, một số cấp học đạt tỷ lệ huy động cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD. Cụ thể, đối với GD mầm non (MN): số trẻ đi nhà trẻ đạt 19,5% so với độ tuổi (tăng 4,1% so với năm học trước), mẫu giáo đạt 74,8% (tăng 6,8%); riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 97,2% (tăng 1,6%); 100% trẻ được học 2 buổi/ngày và 73,6% trẻ được ăn tại trường (trong đó, TP. Nha Trang và 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã đạt 100% trường MN có tổ chức bán trú). Đối với GD tiểu học: Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 91,9%; trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,2%; tỷ lệ học sinh (HS) lưu ban giảm so với năm học trước; không để xảy ra việc HS không đạt chuẩn lên lớp. Toàn tỉnh có 108/191 trường tiểu học dạy môn ngoại ngữ tự chọn với 35.552 HS và 18 trường dạy môn Tin học với 6.890 HS; 160 trường tổ chức học 2 buổi/ngày với 71% HS (tăng hơn năm học trước 6,3%); 52 trường có tổ chức bán trú cho 20.603 HS. Đối với GD trung học: HS tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 đạt 100%. Toàn bộ các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) đều thực hiện đúng kế hoạch dạy học của Bộ GD-ĐT và bám sát yêu cầu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các trường đã triển khai nội dung GD địa phương qua các bộ môn Văn học, Lịch sử, Địa lý; lồng ghép tích hợp GD bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, GD kỹ năng sống trong nội dung một số môn học và hoạt động GD. Ngoài việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho tất cả các trường, ngành đã tổ chức dạy Tin học bắt buộc ở các trường THPT và dạy Tin học tự chọn ở các trường THCS. Ngoài ra, Sở và các phòng GD-ĐT thường xuyên quan tâm chỉ đạo các trường tổ chức phụ đạo kịp thời HS yếu kém, hạn chế dần tình trạng HS bỏ học vì không có khả năng tiếp thu kiến thức. Kết quả, năm học qua, có 98,7% HS lớp 9 tốt nghiệp THCS; 96,61% HS tốt nghiệp THPT; thi HS giỏi quốc gia lớp 12 đạt 28 giải (2 giải nhì, 11 giải ba và 15 giải khuyến khích)…

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, năm học qua, ngành GD-ĐT đã nỗ lực tập trung tháo gỡ từng bước những hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất để các trường tiếp cận dần các điều kiện đạt chuẩn một cách thực chất và đáp ứng quy mô phát triển mạng lưới trường lớp. Năm 2010, tổng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất là 298,771 tỷ đồng, đầu tư cho 254 công trình với 964 phòng học, 56 phòng bộ môn, 7 nhà đa năng, 25 khu hiệu bộ, 3 nhà công vụ… cùng với 225 hạng mục khác được cải tạo, nâng cấp. Nhờ đó, toàn tỉnh có thêm 11 trường (4 trường MN, 3 trường tiểu học, 4 trường THCS) được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 66 trường. Bên cạnh đó, các trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - HS tích cực”… Chuyển biến rõ nét nhất là không khí sinh hoạt ở hầu hết các đơn vị, nhà trường đều vui tươi, lành mạnh; cảnh quan nhiều trường học ngăn nắp, sạch đẹp hơn trước; việc kiểm tra, thi cử nghiêm túc, chặt chẽ; việc xếp loại học lực, hạnh kiểm HS các cấp thực chất và hợp lý hơn.

Ông Lưu Quốc Thanh - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Đạt được kết quả trên là nhờ sự đột phá trong quản lý GD của ngành và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ GD”. Cụ thể, năm học 2010 - 2011, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nhiều định mức kinh phí cho các hoạt động của ngành GD-ĐT như: tăng định mức học bổng cho HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số (DTTS) ở tất cả các lớp mẫu giáo trong tỉnh; tăng định mức học bổng cho HS người DTTS ở các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú và sinh viên người DTTS được cử tuyển học ở các trường đại học; có chế độ khuyến khích cho cán bộ quản lý, giáo viên đến công tác tại các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh… Điều này đã góp phần hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học; tăng nhanh quy mô GD ở miền núi và vùng dân tộc. Với những thành tích trên, năm học 2010 - 2011, ngành GD-ĐT Khánh Hòa đã được Bộ GD-ĐT tặng tặng Cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu khối thi đua 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ theo Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Hai không” ...

Tuy nhiên, năm học qua, ngành GD-ĐT vẫn còn những mặt bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, tình hình HS bỏ học vẫn còn khá cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nói chung và công tác phổ cập GD nói riêng. Việc đa dạng hóa trường lớp, nhất là việc thành lập các trường THPT tư thục có chất lượng cao còn rất chậm; không tương xứng với tiềm năng xã hội hóa GD ở tỉnh ta. Trong khi đó, việc quản lý các cơ sở MN tư thục còn gặp khó khăn, trở ngại (nhất là những điểm tự phát, chưa có giấy phép); cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học tuy đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD; chưa tương xứng với thực lực kinh tế của tỉnh và thấp hơn một số địa phương khác trong cả nước. Hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia còn ít và tốc độ tăng hàng năm còn chậm. Kinh phí thường xuyên ở các trường học chủ yếu chi cho con người, phần chi cho hoạt động dạy và học còn thiếu thốn, bất cập… Đặc biệt, những hạn chế, vướng mắc trong phân cấp quản lý GD đã có từ nhiều năm nay (nhất là về tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên, báo cáo, cập nhật thông tin…) nhưng vẫn chưa có cách tháo gỡ cụ thể và kịp thời. Chất lượng GD mũi nhọn có dấu hiệu chững lại. Phương pháp dạy và học cũng như việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, chưa phát huy hiệu quả thiết bị dạy học và tính chủ động, sáng tạo của HS… Chính vì vậy, ngành GD-ĐT cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung, sửa đổi kịp thời nhằm đạt hiệu quả tốt hơn trong năm học 2011 - 2012.

LÊ NGUYÊN