10:08, 19/08/2011

. Nha Trang: Ký ức không thể nào quên

Ngày 19-8-1945, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã nổi dậy đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Khánh Hòa cũng như nhân dân cả nước từ người nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập. 66 năm trôi qua, nhưng những ngày tháng hào hùng đó vẫn không thể nào quên…

Ngày 19-8-1945, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã nổi dậy đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Khánh Hòa cũng như nhân dân cả nước từ người nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập. 66 năm trôi qua, nhưng những ngày tháng hào hùng đó vẫn không thể nào quên…

Ông Trần Oanh - một trong những người tham gia làm tờ báo Thắng - (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay) kể lại trong hồi ký của mình về những giây phút lịch sử ấy: “Ở Khánh Hòa lúc đó, không khí sôi động. Đêm 17-8-1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa họp tại nhà anh Trần Dzụ Châu ở Phước Hải bàn và quyết định ngày khởi nghĩa. Cuộc họp do anh Trần Chí Hiền chủ trì. Tôi còn nhớ một cử chỉ của anh Hiền hôm ấy: Anh đặt khẩu súng trên bàn và tuyên bố thiết quân luật trong hội nghị, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tạo một không khí vô cùng trang nghiêm cho hội nghị lịch sử này. Hội nghị kéo dài đến gần sáng, quyết định chủ trương khởi nghĩa, bàn từng chi tiết tiến hành cuộc khởi nghĩa có sự phân công rõ ràng, đầy đủ. Một sự kiện xảy ra lúc đó là ông tỉnh trưởng Khánh Hòa của chính phủ Trần Trọng Kim giao trách nhiệm cho Đào Thiện Thi là thủ lĩnh Liên đoàn Thanh niên Việt Nam của Khánh Hòa tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Tương kế tựu kế, Ban lãnh đạo khởi nghĩa chớp thời cơ, tiến hành cuộc khởi nghĩa”.

 

Bác sĩ Kiều Xuân Cư - một trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi - đến nay, ông đã 90 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in những giây phút được cùng quần chúng tham gia buổi lễ tại Sân vận động Nha Trang chiều 19-8. Ông kể: “Tôi còn nhớ hồi đó, sân vận động có khán đài chính bằng gỗ nhìn ra biển. Trưa 19-8, nhân dân từng đoàn mang gậy gộc, dây thừng, cầm những lá cờ “quẻ ly” cuộn chặt bên trong là cờ đỏ sao vàng và băng rôn khẩu hiệu của Việt Minh, rầm rập kéo về Sân vận động Nha Trang. Hồi đó, vải hiếm nên phần lớn cờ làm bằng giấy còn băng rôn được làm từ những lá buồm. Bên ngoài đó là đoàn người đi dự mít tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim của ngụy quyền, nhưng bên trong là đội quân khởi nghĩa, có tự vệ vũ trang làm nòng cốt. Các đội tự vệ cách mạnh và lực lượng yêu nước trong các đội lính khố xanh bám sát bọn quan lại và những tên Việt gian đầu sỏ để sẵn sàng trấn áp chúng. Lúc đó vào khoảng 15 giờ, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu bằng việc đồng chí Trần Oanh có mặt ở chân cột cờ bất ngờ hạ cờ “quẻ ly” của Ngụy xuống, giẫm chân lên và nhanh chóng kéo lá cờ cách mạng, cờ đỏ sao vàng lên đỉnh trong tiếng hoan hô, hò reo của dân chúng. Điều ngạc nhiên hơn là đội ngũ binh sĩ được vận động từ trước đã bồng súng đứng nghiêm chào lá cờ đỏ sao vàng. Sau giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Đào Thiện Thi bước lên diễn đàn thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tỉnh và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. Tuần vũ Phan Thanh Kỷ - cháu mấy đời của Phan Thanh Giản và bọn ngụy quyền đều bị bắt đem đi. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy, quần chúng chia nhau thành từng đoàn tỏa ra đi chiếm các cơ quan của chính quyền như: kho bạc, nhà đèn, các công sở… Một không khí tươi vui, nhộn nhịp đã bao trùm khắp thị xã Nha Trang lúc bấy giờ…”.

 Sân Vận động 19-8 ngày nay.

Hồi ký của ông Trần Oanh ghi: “Trong giây phút thiêng liêng ấy, tôi nhảy ra đứng ngay dưới cột cờ, hạ nhanh lá cờ ba que xuống, chân giẫm, tay xé lá cờ tan từng mảnh. Đội bảo an binh xiết chặt đội ngũ, nghiêm trang bồng súng chào lá cờ cách mạng, mắt sáng long lanh. Từ giây phút đầu tiên, lực lượng vũ trang đã ngả về phía cách mạng, tạo được yếu tố bất ngờ vô cùng quan trọng, đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi. Ôi, giây phút trọng đại và hào hùng. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng xuất hiện, tung bay trên bầu trời Nha Trang thân thương. Sân vận động tràn ngập biển cờ và biểu ngữ “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”. Tiếng hô của quần chúng cách mạng vang dội khắp thành phố biển. Cuộc khởi nghĩa đến giờ phút này đã thắng lợi giòn giã. Tiếp đó, lực lượng quần chúng chia làm ba mũi tuần hành trong thành phố rồi quy tụ trong sân Tòa Công sứ cũ. Đứng trên một cái bàn kê giữa cuộc mít tinh, anh Nguyễn Văn Chi một lần nữa chào mừng cuộc khởi nghĩa và long trọng giới thiệu UBND cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa”.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền bù nhìn tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện và xã.

Đánh giá về cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Khánh Hòa, nhiều sử gia cũng rất ngạc nhiên về những nét tương đồng của cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang với cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Đó là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa và phương pháp giành chính quyền. Thời đó, dù phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn nhưng điều kỳ lạ là cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang - Khánh Hòa đã diễn ra cùng thời điểm với Hà Nội. Điều đó đã cho thấy sự nhạy bén trong lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ Khánh Hòa. Phương pháp giành chính quyền cũng đã biết kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp nổi dậy của quần chúng với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng ở cả nông thôn và thành thị; kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh. Nhờ vậy, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu.

66 năm trôi qua, Sân vận động Nha Trang từ lâu cũng đã được đổi tên thành Sân vận động 19-8. Tại đây có một tấm bia ghi lại sự kiện này, giúp người dân và du khách khi đến đây được biết đến nhiều hơn những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ...

BÍCH KHUÊ