01:08, 01/08/2011

Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ

Được sự tài trợ của Dự án A&T, sáng 30-7, tại TP. Nha Trang, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Khánh Hòa tổ chức sự kiện truyền thông hưởng ứng...

Được sự tài trợ của Dự án A&T, sáng 30-7, tại TP. Nha Trang, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Khánh Hòa tổ chức sự kiện truyền thông hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM)” với sự tham gia của 250 bà mẹ (đang cho con bú) đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Sự kiện này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ (đặc biệt là những tháng đầu đời) và việc cho trẻ bú sữa mẹ không chỉ là giải pháp an toàn, lành mạnh, bền vững mà còn mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho trẻ, cho mẹ mà cho cả xã hội.

Tuần lễ thế giới NCBSM diễn ra từ ngày 1 đến 7-8 hàng năm với sự tham gia của hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới. Hoạt động này nhằm khuyến khích và tăng cường việc NCBSM, cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Năm nay, Tuần lễ thế giới NCBSM tập trung vào các hoạt động truyền thông, tư vấn trong việc bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy NCBSM. Với chủ đề trên, sáng 30-7, các bà mẹ tham gia buổi truyền thông của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đã được các bác sĩ tư vấn về lợi ích của việc NCBSM, giải đáp những thắc mắc về dinh dưỡng, khám và kiểm tra sức khỏe, cân nặng của trẻ… Tham gia buổi tư vấn, chị Minh Anh, phường Tân Lập (Nha Trang) cho biết, chị mới sinh con được 4 tháng, từ lúc sinh ra cháu vẫn được bú mẹ, nhưng do sữa mẹ không đủ nên chị định cho con bú thêm sữa bò và ăn bột. “Bác sĩ khuyên tôi nên tiếp tục cho cháu bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng, đồng thời bày cách ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý để cho sữa nhiều hơn, vì thế tôi quyết định chưa vội cho cháu bú thêm sữa bò và ăn bột”, chị Anh tâm sự.

Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế, tại Việt Nam, kết quả điều tra mới nhất của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, năm 2010 chỉ có 61% trẻ được bú sữa mẹ trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu trẻ được sinh ra, như vậy có khoảng 750.000 trẻ không được bú sữa mẹ ngay khi chào đời. Tỉ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời rất thấp, chỉ 19,6%. Cũng theo bác sĩ Minh, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh người phụ nữ NCBSM hoàn toàn sẽ ngăn ngừa 13% trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Còn theo bác sĩ Lê Văn Đức (Trung tâm Sức khỏe sinh sản tỉnh), NCBSM là một giải pháp an toàn, lành mạnh và bền vững. An toàn là vì NCBSM góp phần phòng và chống những bệnh lây nhiễm thông thường như tiêu chảy, viêm phổi, đồng thời phòng, chống nhiều chứng dị ứng, như hen phế quản… Lành mạnh là vì sữa mẹ bao gồm hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết và với số lượng đúng, sữa mẹ phù hợp nhất đối với những nhu cầu dinh dưỡng mà trẻ nhỏ cần. Bền vững là vì chỉ cần có bà mẹ (hay vú nuôi) là có sữa mẹ, do đó trẻ không cần một loại thức ăn nào khác.

Các bác sĩ đang tư vấn cho các bà mẹ về cách nuôi con bằng sữa mẹ sáng 30-7-2011.

Việc NCBSM mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là lợi ích cho trẻ. Sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng, bao gồm đường, chất béo, đạm, nước với nồng độ cần thiết cho trẻ. Cơ thể trẻ tiêu hóa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ tốt hơn sữa ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ nào được nuôi bằng sữa mẹ thì trưởng thành và phát triển tốt hơn, sữa mẹ giúp trẻ ít tăng cân quá mức cần thiết và do đó giảm nguy cơ béo phì sau này. Đối với trẻ sinh thiếu tháng, bé nào được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn, đặc biệt đối với trường hợp trẻ sinh thiếu tháng. Đối với người mẹ, việc NCBSM sẽ giúp bà mẹ tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng, do đó dễ dàng duy trì cân nặng bình thường sau thời kỳ mang thai. Bên cạnh đó, tử cung cũng dễ co lại đúng kích thước và giảm chảy máu sau sinh. Cho con bú sữa mẹ còn có tác dụng trì hoãn thời điểm rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, người mẹ cũng cần trao đổi với bác sĩ về cách ngừa thai mình chọn. NCBSM làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương khi đến thời kì mãn kinh. NCBSM làm cuộc sống dễ dàng hơn, người mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc do không phải tốn tiền mua sữa, không tốn thời gian pha sữa cho con. Người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào trẻ đói, thỏa mãn được nhu cầu của trẻ. Thời gian cho con bú chính là lúc mẹ và con được nghỉ ngơi, giải trí. Hơn nữa, sự tiếp xúc giữa 2 cơ thể khi người mẹ bồng con để cho trẻ bú giúp trẻ tự tin hơn, có cảm giác an toàn hơn, ấm áp hơn. Người mẹ cho con bú cũng sẽ có cảm giác tự tin hơn và gần gũi với con hơn. Về mặt xã hội, việc NCBSM giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe. Kinh phí cho y tế của một đất nước mà trẻ được bú mẹ hoàn toàn thấp hơn những nước mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn vì phải tốn chi phí cho bệnh tật, thuốc men và bệnh viện. NCBSM góp phần tăng lực lượng lao động. Những bà mẹ cho con bú làm việc ít hơn nhưng con của họ ít bệnh hơn. Do đó, chi phí cho y tế, cho việc thuê mướn lao động thấp hơn nhưng năng suất lao động cao hơn. Bên cạnh đó, việc cho con bú sữa mẹ cũng góp phần bảo vệ môi trường sống vì như thế sẽ có ít chai sữa và các vật dụng liên quan đến việc cho con bú ngoài thải ra môi trường hơn.

Để Tuần lễ thế giới NCBSM ở Khánh Hòa đạt kết quả cao và lâu dài, bác sĩ Bùi Xuân Minh kêu gọi: Mỗi cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở sản khoa và nhi khoa cần có một bảng quy định về NCBSM và thường xuyên phổ biến tới tất cả nhân viên y tế; tuyên truyền cho phụ nữ mang thai và trước sinh về lợi ích và cách NCBSM, hướng dẫn các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ trong nửa giờ đầu sau sinh, cách cho con bú, cách duy trì nguồn sữa khi mẹ phải xa con; các bà mẹ và gia đình đang nuôi con từ 0 đến 6 tháng tuổi không cho trẻ sơ sinh ăn hay uống bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ, khuyến khích cho trẻ bú theo nhu cầu; không cho trẻ bú bình và ngậm đầu vú giả. Theo bác sĩ Minh, sữa mẹ là chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi, vì vậy các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ trong giai đoạn này nhằm đảm bảo sự phát triển thể chất sau này của trẻ.

NGỌC KHÁNH