Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện ủy Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, đến nay, hiệu quả cũng như những lợi ích từ chủ trương đúng đắn này đã được khẳng định.
Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện ủy Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đến nay, hiệu quả cũng như những lợi ích từ chủ trương đúng đắn này đã được khẳng định. Trên những cánh đồng vuông vức, thẳng tắp, đường giao thông rộng rãi, kênh mương kiên cố, người dân Cam Lâm đã và đang nỗ lực tận dụng những điều kiện thuận lợi mà chủ trương DĐĐT mang lại để tăng gia sản xuất.
Nhờ sự đồng thuận của đông đảo người dân, năm 2009, huyện Cam Lâm đã thực hiện thành công việc triển khai thí điểm DĐĐT đợt 1 tại 2 xã Cam An Bắc và Cam Thành Bắc. Từ sự thành công đó, năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, huyện bắt đầu triển khai DĐĐT đợt 2 và đợt 3 cho 5 xã: Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hòa, Suối Cát và Suối Tân. Đến nay, toàn huyện có 7 xã thực hiện chủ trương DĐĐT. Tổng số diện tích đất nông nghiệp của toàn huyện đã DĐĐT hơn 1,8 triệu m² với 566 hộ dân. Trước đây, số diện tích này thuộc 1.321 thửa, qua quá trình triển khai DĐĐT, đến nay chỉ còn 585 thửa. Ông Ngô Vĩnh Kháng (thôn Tân Sơn Đồng, Cam Thành Bắc) cho biết: “Với diện tích gần 1,3ha đất lúa, trước đây, gia đình tôi có 12 thửa ruộng nằm rải rác nhiều nơi. Chỉ tính riêng việc vận chuyển giống, phân bón, vật tư từ ruộng này đến ruộng kia cũng đã tốn rất nhiều công sức. Sau khi được DĐĐT, diện tích trồng lúa của gia đình tôi chỉ nằm gọn trong 1 thửa nên tiện lợi hơn rất nhiều”.
Tuy không phải mùa vụ chính nhưng nhờ có điều kiện thuận lợi sau khi đồn điền đổi thửa, thửa ruộng của gia đình ông Trần A vẫn hứa hẹn cho năng suất cao trong vụ Hè Thu này. |
Lợi ích mà gia đình ông Kháng nhận thấy cũng là mục tiêu chủ trương DĐĐT muốn mang lại cho các hộ nông dân. Trong quá trình triển khai DĐĐT, song song với công tác đo đất, lập bản đồ, việc xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông cũng luôn được chú trọng. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất sau khi đã DĐĐT, Ban chỉ đạo kế hoạch DĐĐT của các xã, thôn luôn chú trọng đến việc bê tông hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng và đường ranh cản lửa (đối với sản xuất mía). Vì vậy, tất cả các thửa ruộng được DĐĐT đều nằm gần các công trình thủy lợi và đường giao thông. Nhiều hộ nông dân không còn phải đối mặt với cảnh “xin thoát nước ruộng của mình qua ruộng người khác”. Có đường giao thông rộng rãi, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp đã được nhiều người dân quan tâm, chú trọng hơn. Ông Trần A (xã Cam Thành Bắc) chia sẻ: “Trước đây, ruộng nằm rải rác nhiều nơi trong khi phần lớn các đường bờ ruộng nhỏ, quanh co nên vận chuyển máy móc vào ruộng khó khăn. Do vậy, tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây rất ít dùng máy móc ngay tại ruộng, mà chủ yếu đưa lúa về nhà mới dùng đến; còn bây giờ, đường rộng rãi nên chúng tôi đã sử dụng máy móc vào sản xuất nhiều hơn”. Trước đây, nhiều công đoạn như: cày đất, gặt lúa…, nông dân thường phải làm bằng tay do diện tích ruộng nhỏ, lại có nhiều bờ, nhiều góc. Sau khi DĐĐT, diện tích ruộng tập trung nên nhiều công đoạn đã được cơ giới hóa, người dân chỉ việc thuê máy móc về làm, tiết kiệm được công sức mà hiệu quả cao. Ông A cho biết thêm: “Có nhiều vụ, tôi chưa kịp chở lúa về đã có người đến mua gần hết, vì máy gặt và tuốt xong bán lúa ngay tại ruộng”. Tận dụng những điều kiện sản xuất thuận lợi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới, đầu tư khoa học kỹ thuật nên những vụ mùa vừa qua đạt năng suất rất cao. Đánh giá về năng suất cây trồng sau khi thực hiện DĐĐT, ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: “3 năm qua, năng suất lúa trung bình đạt 6 - 7 tấn/ha (trước khi DĐĐT là 3,5 - 4 tấn/ha); năng suất mía đạt 7 - 7,5 tấn/ha (trước khi DĐĐT 4 - 5 tấn/ha). Cá biệt, một số hộ nông dân sản xuất lúa đạt 10 tấn/ha”.
Sau gần 3 năm triển khai DĐĐT, để đạt được kết quả như trên, nhiều cán bộ từ cấp ủy, chính quyền huyện, xã, thôn đã có sự nỗ lực và thống nhất cao trong suốt quá trình triển khai Nghị quyết. Các ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch DĐĐT đã tổ chức nhiều cuộc họp dân để vận động, tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, các ban chỉ đạo đã kịp thời giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của nhân dân khi DĐĐT như: bồi thường giá trị đất khi chuyển từ đất tốt sang đất xấu; lấy đất để làm các công trình thủy lợi, giao thông; việc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Bên cạnh đó, việc điều tra, thống kê danh sách số hộ, số thửa, diện tích… được tiến hành bằng những phương án cụ thể, công khai đến mọi người dân để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, nhân dân huyện Cam Lâm rất đồng tình ủng hộ và cùng với các cấp chính quyền tích cực thực hiện chủ trương DĐĐT.
HOÀNG DUNG