03:08, 07/08/2011

Nguyên nhân do đâu?

6 tháng năm 2011, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm 108 người chết, 46 người bị thương; đáng chú ý TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ - QL - (chiếm 73,8%).

6 tháng năm 2011, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm 108 người chết, 46 người bị thương; đáng chú ý TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ - QL - (chiếm 73,8%). Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến QL.

Theo ông Phạm Xuân Chánh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, để kiềm chế TNGT, ngay từ đầu năm 2011, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như: xe khách, xe tải chạy quá tốc độ quy định; người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia điều khiển phương tiện; chở quá số người quy định… Với sự nỗ lực của các ngành chức năng, nhất là lực lượng CSGT, TNGT do xe mô tô, xe gắn máy đã được kiềm chế. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2010, TNGT do xe mô tô, xe gắn máy giảm 21 vụ, giảm 22 người chết, giảm 4 người bị thương. Thế nhưng ngược lại, TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại tăng cao. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và huyện Vạn Ninh, làm 12 người chết, 16 người bị thương; so với 6 tháng năm 2010 tăng 2 vụ, tăng 9 người chết và tăng 13 người bị thương. Thực tế cho thấy, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gia tăng nhanh như hiện nay đều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra trên tuyến QL1A tại địa phận xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh giữa ô tô du lịch 16 chỗ ngồi biển kiểm soát (BKS) 53S-2439 chạy hướng Nam - Bắc và xe tải BKS 79N-1784 chạy hướng ngược lại. Hai xe này đã lao trực diện vào nhau khiến 4 người chết, 9 người bị thương. Bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn do tài xế điều khiển ô tô khách BKS 53S-2439 chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường quy định.

Tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý triệt để các lái xe vi phạm về an toàn giao thông.

Theo ông Phạm Xuân Chánh, hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra vào ban đêm, ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng và đều do lái xe không làm chủ được tốc độ, đi sai làn đường nên đấu đầu vào nhau. Một tài xế xe tải giấu tên cho biết: “Do áp lực về doanh số mà các chủ hàng yêu cầu nên chúng tôi chờ đến ban đêm để chạy tăng tốc, vì khi ấy thường ít lực lượng CSGT đi TTKS hơn. Cũng chính vì chạy nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ nên khi gặp sự cố đã không xử lý kịp”. Không chỉ bị áp lực về doanh số do chủ xe áp đặt mà nhiều hành khách cũng thúc giục tài xế chạy nhanh. Ông Hải - người đã 7 năm lái xe khách đường dài cho biết: “Có nhiều khi gặp những đoạn đường hạn chế tốc độ, chúng tôi chạy đúng thì bị khách chê xe chạy như “rùa”…”.

Trung tá Phan Văn Cường - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Có những ngày cao điểm, Phòng CSGT đã huy động 2 - 3 trạm cắm chốt đo tốc độ (khoảng 50km đứng một chốt); nhiều tài xế vừa vi phạm tốc độ ở trạm thứ nhất, chạy sang trạm thứ hai, thứ ba lại tiếp tục vi phạm. Với những trường hợp này, lực lượng CSGT đã tăng hình thức xử phạt. Tuy nhiên, do áp lực thời gian nên dù biết vi phạm, các tài xế vẫn chạy. Có tài xế khi được hỏi về việc chạy nhanh đã cho biết: “Xe chạy chậm không về kịp thời gian quy định, bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc thì biết làm gì. Vì miếng cơm, manh áo nên có nguy hiểm hay bị xử phạt, chúng tôi cũng chịu”. Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, hiện nay, nhiều tuyến đường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các loại phương tiện như: đường quá hẹp, chưa tách được các làn đường dành riêng cho từng loại phương tiện; lực lượng CSGT còn mỏng; thiếu phương tiện phục vụ cho công tác nghiệp vụ…

Trước tình hình TNGT trên tuyến QL tăng cao, tại hội nghị sơ kết công tác trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần đánh giá lại nguyên nhân, kết quả công tác đảm bảo trật tự ATGT. Bên cạnh đó, đề ra những giải pháp thiết thực khắc phục tình trạng gia tăng TNGT và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; cần tập trung kiểm tra các xe khách và xem xét việc có thể gắn camera dọc tuyến QL; Thanh tra giao thông, CSGT cần tăng cường hơn nữa công tác TTKS…

6 tháng cuối năm, Ban ATGT tỉnh, các địa phương, ngành, tổ chức chính trị - xã hội sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện nhằm kiềm chế TNGT. Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai tới các ngành, địa phương hưởng ứng các hoạt động “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu 2011 - 2020”; cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông vì bình yên sông nước”, “Tháng ATGT”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về ATGT. Lực lượng CSGT tăng cường TTKS cả ngày lẫn đêm trên các tuyến QL, nhất là tuyến QL1A và đối tượng xe khách; xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm. Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công tác quản lý kết cấu hạ tầng, hành lang ATGT đường bộ, nhất là hành vi chở quá khổ, quá tải. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải và Thanh tra giao thông cần tổ chức hội nghị mời các chủ xe tham dự để cùng bàn kế hoạch cụ thể, vừa không vi phạm về ATGT vừa đảm bảo về tiến độ thi công các dự án…

Với việc đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, hy vọng thời gian tới, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh, nhất là TNGT trên các tuyến QL sẽ được kiềm chế.

CẨM VÂN