Gần đây, những người dân sống trong khu vực Tây Nam Vĩnh Hải (Nha Trang) dường như tỏ ra chịu hết xiết với các bản đồ quy hoạch khu vực họ đang sinh sống.
Nhìn từ bản đồ Google map, khu vực Tây Nam Vĩnh Hải tuy rất gần với TP. Nha Trang nhưng lại bị chắn bởi Núi Sạn, sông Cái nên đường giao thông không mấy thuận tiện. Trước đây người dân khu vực này chỉ làm nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi. Sau này, khi tốc độ đô thi hóa tăng nhanh, người dân bắt đầu tập trung và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc đất trồng rừng. Việc xây dựng nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất bừa bãi khiến công tác QH trở nên cần thiết và cấp bách để bảo đảm phát triển đô thị trong tương lai. Ngay từ năm 2001, UBND tỉnh đã có QH chi tiết khu dân cư Tây Nam Vĩnh Hải; tuy nhiên, do châïm thực hiện nên các hộ dân nơi đây rất bức xúc. Hầu như lần nào các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, người dân đều đề đạt nguyện vọng được Nhà nước sớm quan tâm thực hiện dự án để người dân bớt khổ.
Hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng thì vấn đề QH là một yêu cầu rất cần thiết. Tuy nhiên, có QH không đồng nghĩa với việc thực hiện mà phải có dự án triển khai QH đó. Vậy thời gian từ lúc có QH đến khi thực hiện là bao lâu? Mối quan hệ xã hội vẫn chưa được điều chỉnh chặt chẽ nên trên thực tế nó đang dần trở thành môït trở ngại cho sự phát triển xã hội.
Ông Tạ Bá Niệm (trú 25 Phú Xương, Vĩnh Hải) bày tỏ: Hiện nay, tại khu vực này có cả trăm hộ dân sống từ nhiều thế hệ. Kể từ khi có QH, ban đầu người dân cũng khá phấn khởi, nhất là có dự án để triển khai; tuy nhiên, dự án đó lại không được thực hiện trên thức tế mà bị chuyển qua hết chủ đầu tư này đến chủ đầu tư kia khiến thời gian triển khai dự án kéo dài. Điều đó kéo theo cuộc sống người dân gần như đảo lộn. Còn ông Nguyễn Văn Hiện (trú 62, tổ 19 Tây Nam Vĩnh Hải) thì cho biết: Khi có dự án, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất nông nghiệp. Chỗ nào làm xong, chủ đầu tư tiến hành san lấp nhưng không biết có phải thiếu vốn đầu tư hay không mà san lấp nham nhở, chỗ có chỗ không. Phần san lấp rồi nhưng chưa thực hiện dự án đã trở thành nơi chứa rác thải khiến môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, vì đã bàn giao đất cho Nhà nước nên người dân không còn đất để sản xuất, canh tác. Tình trạng đó khiến người dân không có thu nhập ổn định và nhiều hộ phải sử dụng vào số tiền đền bù đất cho nhu cầu sinh hoạt trong khi lẽ ra phải đầu tư số tiền đó vào sản xuất để tạo thu nhập cho gia đình. Liên quan đến vấn đề thu nhập, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú 52 đường Phú Xương, Vĩnh Hải) cho biết: Có dự án, người dân trong khu vực không được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sỡ hữu nhà. Do đó, nhiều hộ cần vốn sản xuất đã không thể thế chấp vay vốn để làm ăn sinh sống. Mặt khác, khi nhà cửa hư hỏng cũng không được sửa chữa, xây mới. Con cái khi trưởng thành lấy vợ, gả chồng không được tách nhập hộ khẩu để làm nhà trên đất của ông bà, cha mẹ để lại.
Cùng với tâm trạng đó, bà Nguyễn Thị Nhung (29/4 Phú Xương) cho biết: Hầu như cơ sở hạ tầng nơi đây đều có từ trước khi có QH. Trong khi những nơi khác xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường bê-tông, chợ, trường học, trạm y tế… thì không những cơ sở hạ tầng ở đây không được đầu tư nâng cấp mà còn bị xuống cấp trầm trọng cả chục năm nay nên điều kiện sinh hoạt của người dân rất khó khăn.
Như vậy, việc chậm thực hiện các dự án đã có tác hại rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân. Tuy pháp luật hiện nay từng bước có những bổ sung để điều chỉnh vấn đề này như thu hồi dự án chậm triển khai, không cho phép chuyển nhượng dự án, đề ra yêu cầu cụ thể về năng lực của nhà đầu tư… song vấn đề vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Hiện người dân nơi đây đang rất hoang mang về thông tin dự án mới (được UBND tỉnh phê duyệt ngày 15-6-2011) về QH chi tiết khu dân cư Tây Nam Vĩnh Hải sẽ không có đất tái định cư tại chỗ như những phương án trước đây. Chính vì lẽ đó, người dân khu vực trên đang mong muốn Nhà nước cần thực hiện nhanh dự án trên để bà con ổn định cuộc sống; đồng thời Nhà nước cần có biện pháp dung hòa quyền lợi của cả xã hội và công dân sao cho vừa đảm bảo nhu cầu phát triển vừa không để người dân quá thiệt thòi.
Q.L