05:08, 08/08/2011

Hiệu quả, dễ áp dụng

Vừa qua, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX Hội Thấp khớp học Việt Nam tổ chức tại Nha Trang, Thạc sĩ - bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa...

Vừa qua, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX Hội Thấp khớp học Việt Nam tổ chức tại Nha Trang, Thạc sĩ - bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo đề tài: “Kết quả điều trị bảo tồn cứng khớp vai ở người lớn tuổi tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa”. Đề tài đã gây được sự chú ý của các đại biểu khi đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, chi phí thấp và dễ áp dụng tại tuyến y tế cơ sở.

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Phan Hữu Chính, đau khớp vai rất thường gặp. Có khoảng 7% người trưởng thành (từ 25 - 75 tuổi) từng bị đau khớp vai nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi 40 - 60, chiếm 0,25% dân số. Viêm dính khớp vai - cứng khớp vai hiếm gặp hơn và thường gặp ở người trên 60 tuổi. Khớp vai vận động với biên độ rất rộng nên cấu trúc và sinh cơ học rất phức tạp. Nguyên nhân gây viêm dính khớp vai liên quan đến nhiều bệnh lý kèm theo như: hội chứng chóp xoay, dị dạng mỏm cùng vai, viêm gân cơ nhị đầu, chấn thương; có thể gặp trong bệnh viêm khớp dạng thấp, gút… Hơn 20% trường hợp viêm dính khớp vai là mạn tính và 65% có liên quan tới tổn thương chóp xoay (là một gân được tạo thành từ nhiều cơ trên vùng vai làm động tác dạng vai chính).

 Bác sĩ Chính đang khám cho bệnh nhân bị cứng khớp vai.

Việc điều trị cứng khớp vai thường được các bác sĩ dùng phác đồ kết hợp nhiều phương pháp, trong đó tiêm tại chỗ và phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng. Ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về điều trị bệnh lý này. Vì thế, nghiên cứu của bác sĩ Chính nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị bảo tồn cứng khớp vai ở bệnh nhân (BN) lớn tuổi, đồng thời khảo sát tác dụng không mong muốn của các phương pháp sử dụng.

Để thực hiện đề tài, bác sĩ Phan Hữu Chính và cộng sự là các bác sĩ Đặng Thị Thanh Dung, Lê Minh Hoan đã nghiên cứu 351 BN được chẩn đoán cứng khớp vai và điều trị tại phòng khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình trong 5 năm (từ tháng 1-2006 đến 12-2010). Các BN này đáp ứng các tiêu chuẩn: Chẩn đoán cứng khớp vai theo lâm sàng: BN đau và hạn chế biên độ vận động của khớp vai; BN nam từ 60 tuổi trở lên; BN nữ từ 55 tuổi trở lên, chấp nhận tham gia nghiên cứu và không có chống chỉ định tiêm của glucocorticoid tại chỗ, không dị ứng với các thành phần của thuốc sử dụng là Diprospan (Betamethasone dipropionate và Betamethasone Na phosphate) và Lidocain 2%.

Tất cả BN được điều trị theo phác đồ sau: thuốc ống Diprospan 1ml (Betamethasone dipropionate 5mg, Betamethasone Na phosphate 2mg) và thêm 1ml Lidocain 2%; vị trí tiêm: khoang dưới mỏm cùng vai và 1/3 dưới của bao khớp trước của vai; tổng số 5 mũi tiêm. Mũi đầu và mũi thứ hai cách nhau 7 ngày. Mũi thứ ba, thứ tư và thứ năm cách nhau 10 ngày. Tập vật lý trị liệu chia làm 3 giai đoạn: Tuần 1 - giai đoạn đau và viêm dính cấp: tập trong biên độ cho phép, tập không đau với tạ 1kg ở tay tư thế khuỷu thẳng, cánh tay thả lỏng và bàn tay sấp, ngửa. Tuần 2 - giai đoạn giảm đau: tập thụ động và chủ động khớp vai với biên độ tăng dần do từng BN tự điều chỉnh theo mức độ có thể chấp nhận được. Từ tuần 3 - giai đoạn phục hồi: tập thụ động và chủ động khớp vai với biên độ tăng dần do từng BN tự điều chỉnh có thể chấp nhận được tại Khoa Vật lý trị liệu; tập vận động chủ động và thụ động khớp vai; sóng siêu âm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, triệu chứng đau được cải thiện rõ ngay sau tuần đầu và kéo dài trong suốt 3 tháng qua tất cả các thông số đánh giá, 76% số BN phục hồi chức năng khớp vai sau 3 tháng điều trị. Về tác dụng không mong muốn, có 13% BN đau thượng vị trong quá trình điều trị nhưng không có biến chứng chảy máu dạ dày (dựa trên các triệu chứng lâm sàng); tăng huyết áp 4,5% và được kiểm soát tốt với các thuốc hạ áp thông thường; shock với thuốc tiêm 0%; bệnh lý tim mạch nặng hay đột quỵ 0%; viêm đau tại chỗ tiêm 0%. Kết quả phù hợp với các tác giả khác ở các nước có nền y học tiên tiến và các tai biến để lại di chứng không xảy ra.

Bác sĩ Chính cho biết, muốn chẩn đoán chính xác bệnh cứng khớp vai cần phải có máy siêu âm chuyên biệt, cộng hưởng từ và cán bộ y tế được đào tạo chuyên khoa sâu, trong khi hiện nay ở Việt Nam không phải nơi nào cũng có đủ những điều kiện này. Phẫu thuật nội soi khớp vai hiện nay chưa phổ biến, nếu có thì chi phí rất đắt (khoảng 20 triệu đồng/ca), chính vì thế giá trị của đề tài là ở chỗ đã đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, dễ làm, dễ áp dụng ở mạng lưới y tế cơ sở.

NGỌC KHÁNH