07:08, 26/08/2011

Tất cả đã sẵn sàng

Năm 2010, huyện Vạn Ninh đã nỗ lực trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nên đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.

Năm 2010, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã nỗ lực trong công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) nên đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Theo dự báo, năm 2011, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến khó lường. Vì vậy, huyện Vạn Ninh đã khẩn trương xây dựng phương án PCLB, TKCN nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2010, thời tiết diễn biến phức tạp vào cuối năm do áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, gây ra mưa to và lũ lụt nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân trong tỉnh. Riêng tại huyện Vạn Ninh có 1 người chết, nhiều nhà cửa, công trình giao thông, hoa màu… bị thiệt hại. Tổng tài sản thiệt hại do thiên tai gây ra trong toàn huyện gần 8,8 tỷ đồng. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Vạn Ninh không thiệt hại lớn là do khu vực đồi núi dốc, gần cửa sông đổ ra biển nên khi có lũ lụt, lượng nước từ nguồn đổ về gây ngập úng tốc độ nhanh nhưng cũng rút nhanh. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ diễn biến khó lường. Khi lượng mưa lớn kéo dài, địa phương cũng có nhiều khu vực dễ bị cô lập. Tuy đã chủ động phòng, chống, nhưng chỉ trong mùa mưa lũ cuối năm 2010, Vạn Ninh đã có 74 nhà bị hư hỏng, hơn 664ha diện tích hoa màu bị hư hại, sạt lở 80ha ao đìa, hàng nghìn mét đường giao thông, hàng trăm mét kênh mương, đê kè biển bị sạt lở… Sau khi lụt bão xảy ra, các cơ quan chức năng đã phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại. Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ 1 tấn mì tôm, các địa phương trích ngân sách 300 triệu đồng để ổn định cuộc sống của nhân dân, thu dọn cây cối đổ ngã, tu sửa nhà cửa, khắc phục hệ thống điện, thông tin liên lạc, giao thông… Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức, nhà hảo tâm đến những đối tượng bị thiệt hại. Theo ông Võ Thành Sơn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ huy (BCH) PCLB-TKCN huyện Vạn Ninh, tuy đã triển khai các biện pháp để giảm đến mức tối đa những thiệt hại do bão lũ gây ra, nhưng công tác PCLB-TKCN trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Chẳng hạn, khi có thông báo về tình hình mưa lũ, nhiều người còn chủ quan, vẫn đưa phương tiện ra khơi đánh bắt thủy sản, do vậy đã gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Công tác chỉ đạo, trực lãnh đạo của BCH PCLB-TKCN ở một số xã chưa chủ động kịp thời; việc tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại do lũ lụt chưa kịp thời…

Cống hộp trên đường vào thôn Phú Cang I, xã Vạn Phú đang khẩn trương thi công để người dân tiện đi lại

Có thể thấy, hiện nay, trên địa bàn huyện, các đê ngăn sông, ngăn mặn, cầu cống, đập và các hồ chứa nước tuy được thường xuyên quan tâm củng cố tuy nhiên độ vững chắc vẫn chưa cao, dễ bị vỡ khi lượng mưa lớn, có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng dân cư, vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 1A, đặc biệt những đoạn đèo dốc, sườn núi (đèo Cổ Mã, đèo Cả) nếu mưa lớn dễ bị sạt lở đất đá; hoặc các vùng trũng thấp (đoạn Vạn Bình, Vạn Hưng, Vạn Long) dễ bị ngập nước, gây ùn tắc giao thông… Chính vì vậy, huyện đã khẩn trương hoàn tất phương án PCLB-TKCN trên địa bàn. BCH PCLB-TKCN huyện cho biết, địa phương xác định, năm 2011 là năm xuất hiện hiện tượng Lanina. Dự báo mùa mưa bão năm nay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tương đương với mức trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nền nhiệt độ toàn mùa thấp hơn và lượng mưa sẽ cao hơn trung bình hàng năm. Vì vậy, mùa mưa bão năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp, nối tiếp tính bất thường của năm 2010. Để thực hiện tốt công tác PCLB-TKCN năm nay, BCH PCLB-TKCN huyện đã khẩn trương triển khai công tác PCLB-TKCN trên toàn địa bàn. Bên cạnh việc củng cố, kiện toàn BCH PCLB-TKCN các xã, thị trấn, đơn vị theo hướng gọn nhẹ, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, các địa phương còn tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức PCLB-TKCN. Mặt khác, huyện quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động phòng tránh và đối phó với các tình huống bất lợi khi bão lũ xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Theo ông Võ Thành Sơn, để công tác PCLB-TKCN trong mùa mưa lũ năm nay đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc phối hợp có hiệu quả của các ngành là thành viên BCH PCLB-TKCN của huyện, các xã, thị trấn cần xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện, thường trực chỉ huy lực lượng cứu hộ tại chỗ, xác định vùng trọng điểm cần ứng cứu. Trong đó, phải tổ chức lực lượng ứng cứu tại chỗ các xã: Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Bình (đoạn nằm giữa Quốc lộ 1A - đường sắt - đường Nguyễn Huệ) thường thoát lũ chậm, thường ngập úng cục bộ với tốc độ nhanh. Riêng các thôn: Khải Lương, Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh) là vùng đảo, bán đảo nên xây dựng phương án phòng, chống tại chỗ là chính; khi cần thiết có sự chỉ đạo trực tiếp của BCH PCLB-TKCN huyện.

Đ.H