11:08, 19/08/2011

Trường mầm non phòng, chống dịch tay chân miệng

Những ngày này, các trường mầm non trên địa bàn TP. Nha Trang đang tích cực vệ sinh trường lớp để phòng, chống bệnh tay chân miệng, chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới.

Những ngày này, các trường mầm non (MN) trên địa bàn TP. Nha Trang đang tích cực vệ sinh trường lớp để phòng, chống bệnh tay chân miệng (TCM), chuẩn bị đón học sinh (HS) bước vào năm học mới.

Tại Trường MN Hoa Hồng, MN 2-4…, công tác vệ sinh trường lớp, trang trí lớp học được thực hiện khá nghiêm túc, chu đáo. Trong sân trường, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi HS… đã đem phơi khô sau khi được tẩy rửa kỹ lưỡng bằng hóa chất diệt khuẩn. Giáo viên (GV) của trường, mỗi người một việc, đưa hết đồ đạc trong từng lớp học ra để tẩy rửa, vệ sinh và trang trí lớp học. Cô Cao Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Trung tâm Y tế TP. Nha Trang về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM, thời gian qua, cán bộ và GV nhà trường đã được tập huấn công tác phòng, chống và tuyên truyền về dịch bệnh. Bên cạnh việc tập huấn cho GV, tích cực vệ sinh trường lớp phòng, chống dịch, nhà trường còn trưng bày các hình ảnh, tài liệu tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh TCM cho phụ huynh HS”. Còn tại Trường MN 2-4, công tác vệ sinh trường lớp đã hoàn tất. Bà Nguyễn Thị Hoàng - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Tất cả dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà, phòng ốc, lan can, bếp… trong trường đều đã được khử trùng bằng Chloramine B. Nhà trường cũng cung cấp đủ xà phòng để phục vụ HS. HS khi đi học sẽ được GV và bảo mẫu hướng dẫn tự vệ sinh tay chân, thân thể để phòng bệnh. Nói chung, các hoạt động vệ sinh, phòng, chống bệnh TCM đã được nhà trường triển khai kỹ lưỡng để phụ huynh có thể an tâm đưa trẻ đến trường”.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng tích cực vệ sinh trường lớp, đồ chơi của học sinh để chuẩn bị đón năm học mới.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 17-8, toàn tỉnh có 405 trường hợp mắc bệnh TCM. Tuy không có ca nào tử vong nhưng có 5 ca có dấu hiệu thần kinh, 3 ca phải chuyển tuyến Trung ương điều trị. Đây là năm đầu tiên Khánh Hòa có các ca biến chứng của bệnh TCM. Bệnh TCM xuất hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, TP. Nha Trang là địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất với 201 ca, tiếp theo là Ninh Hòa 91 ca, Cam Lâm 36 ca, Diên Khánh 22 ca… Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh TCM có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhất là khi các trường học bước vào năm học mới. Chính vì thế, trong một cuộc họp mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh TCM dưới nhiều hình thức như: tờ rơi, phát thanh, truyền thanh, truyền hình, báo in… nhưng quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thầy cô giáo về triệu chứng của bệnh TCM để kịp thời phát hiện ca bệnh và cách ly điều trị. Đặc biệt, cần cân nhắc việc đóng cửa trường học khi phát hiện ca bệnh. Tùy tình hình thực tế mà quyết định việc đóng cửa hay không, vì nếu chỉ có 1, 2 trẻ bị bệnh (đã được cách ly điều trị) mà đóng cửa trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học khi năm học mới sắp bắt đầu. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đến các trường mẫu giáo và nhà trẻ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch. Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các trường MN trong thành phố đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang.

Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh TCM thường không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng khi đã xảy ra biến chứng thì bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể là thủ phạm làm chết người. Bệnh TCM có thể lây lan qua các đường: trực tiếp với dịch tiết bóng nước, chất tiết đường hô hấp; gián tiếp qua bàn tay bị nhiễm từ các bề mặt nhiễm virus; từ người nuôi dạy trẻ vệ sinh không đúng cách… Hiện nay, bệnh TCM chưa có thuốc chủng ngừa nên cách tốt nhất là phòng bệnh bằng cách rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi…; vệ sinh môi trường sống; ăn uống hợp vệ sinh; các ly trẻ bị bệnh…

LÊ NGUYÊN