04:08, 16/08/2011

Cảnh giác với bệnh viêm não vi rút

Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm não vi rút trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy tăng nhưng không đáng kể. Mặc dù vậy, theo các bác sĩ, người dân không nên chủ quan vì đây là bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm não vi rút (VNVR) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy tăng nhưng không đáng kể. Mặc dù vậy, theo các bác sĩ, người dân không nên chủ quan vì đây là bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh VNVR có 2 loại là VNVR nguyên phát và VNVR thứ phát. Các bệnh VNVR thứ phát là biến chứng của các vi rút gây bệnh sởi, quai bị, cúm, vi rút đường ruột, vi rút herpes simplex… Bệnh VNVR nguyên phát được chia thành 2 loại: bệnh VNVR do muỗi truyền và bệnh VNVR do ve truyền.

Theo bác sĩ Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh VNVR do muỗi truyền bao gồm một nhóm vi rút gây bệnh xâm nhập trong thời gian ngắn vào những phần của não, tủy sống và màng não, gây viêm cấp ở đó. Các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh này tương tự nhau nhưng mức độ nghiêm trọng và sự tiến triển của mỗi bệnh khác nhau. Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng. Trường hợp mắc bệnh nhẹ thường có sốt, đau đầu hoặc biểu hiện viêm màng não vô khuẩn. Trường hợp nặng có biểu hiện cấp tính lúc khởi phát, sốt cao, đau đầu, có dấu hiệu màng não, mất định hướng, hôn mê, run, đôi khi co giật (nhất là ở trẻ nhỏ) và liệt cứng. Tỉ lệ chết từ 0,3% - 60%, trong đó tỉ lệ cao nhất do mắc bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm não Murray Valley (MVE) và viêm não tủy ngựa miền đông (EEE). Tỉ lệ mắc bệnh để lại di chứng thần kinh của bệnh VNVR do muỗi truyền xảy ra với tần số khác nhau tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân và tác nhân gây bệnh. Bệnh để lại di chứng thần kinh nặng nhất ở trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản (JE), bệnh EEE và bệnh viêm não tủy ngựa miền Tây (WEE). Biểu hiện lâm sàng của bệnh VNVR do muỗi truyền: sốt cao 38-40 độ C, đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, cổ cứng, rối loạn ý thức, li bì, sững sờ, mất định hướng, có cử động bất thường (run giật, múa vờn), hôn mê, nói chậm hoặc không nói được, liệt cứng, có ứ đọng nhiều đờm dãi.

Đối với bệnh VNVR do ve truyền, về mặt lâm sàng bệnh này cũng giống như các bệnh VNVR do muỗi truyền trừ một vài tác nhân gây bệnh như: bệnh VNVR Viễn Đông (FE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não xuân hạ Nga), thường có cơn động kinh cục bộ, liệt mềm và vài di chứng khác; bệnh VNVR Trung Âu (CEE) do ve truyền (còn gọi là bệnh viêm não, màng não hai pha) là một bệnh nhẹ hơn nhưng tiến triển kéo dài hơn, khoảng 1 tuần. Giai đoạn đầu có sốt với triệu chứng không liên quan đến thần kinh trung ương, giai đoạn 2 có sốt cùng với triệu chứng viêm não, màng não kéo dài từ 4 - 10 ngày. Bệnh này ít tử vong và ít di chứng nặng so với bệnh FE; bệnh VNVR Powassan (PE) cũng có bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhưng tỉ lệ tử vong khoảng 10% và khoảng 50% số bệnh nhân khỏi bệnh có di chứng thần kinh. Bệnh Louping ở người cũng diễn biến kiểu 2 pha và bệnh tương đối nhẹ.

Theo các bác sĩ, để phòng tránh bệnh VNVR cần tuyên truyền cho người dân những thông tin về bệnh, ổ chứa vi rút và muỗi vectơ truyền bệnh để nhân dân có thể phát hiện sớm bệnh, tự thực hiện các biện pháp phòng tránh và diệt muỗi vectơ truyền bệnh. Nhà, vườn phải quang đãng, sạch sẽ, không có đồ phế thải chứa nước ứ đọng để loại trừ muỗi, bọ gậy và các côn trùng khác; dời chuồng súc vật ra xa nhà ở, thường xuyên vệ sinh chuồng súc vật, hun khói hoặc phun thuốc xua, diệt muỗi; dùng màn kim loại chống muỗi ở các cửa sổ, cửa ra vào và nằm màn khi ngủ; nếu có nhiều muỗi thì có thể dùng hóa chất để diệt muỗi và diệt bọ gậy; tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc bôi thuốc xua côn trùng cho người đi du lịch hoặc đến làm việc tại những vùng có bệnh lưu hành…

KHÁNH QUỲNH