10:08, 19/08/2011

Cách mạng Tháng Tám với việc xây dựng nhà nước pháp quyền

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là sự kiện vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là sự kiện vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Một trong những thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng được một nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Đó là một nhà nước mang đặc trưng nổi bật: Nhà nước dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Hồ Chí Minh chủ tọa. Trong 6 vấn đề cấp bách được nêu ra có vấn đề “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”…

Biểu tình giành chính quyền ngày 19-8-1945 tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (sau Cách mạng Tháng Tám là Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ). Ảnh tư liệu.

Một tháng sau, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người… đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trong thư gửi UBND các cấp, Người đã thẳng thắn chỉ ra những lỗi lầm của đội ngũ cán bộ ủy ban các cấp hay mắc phải như: cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của từng lỗi lầm đó. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện như: “ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quản lý đất nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền. Từ năm 1919, trong yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Versailles, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu phải cải cách pháp luật ở Đông Dương để người bản xứ được bảo đảm về luật pháp như người châu Âu. Người nhấn mạnh “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Chỉ một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Trên cương vị là nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Chính phủ và trực tiếp là Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy trí tuệ của Đảng, toàn dân cùng với Quốc hội khóa I soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước nhà với những điểm tiến bộ vượt thời đại và vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay…

Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI xác định: “Không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp cũng như việc hoàn thiện bộ máy và bầu các chức danh lãnh đạo quan trọng của Nhà nước vừa qua đã thể hiện quyết tâm không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra và đó cũng chính là quan điểm tiếp tục phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong thời kỳ mới.

Vũ Trung Kiên