02:08, 07/08/2011

Nguồn truyền bệnh chính là người

Theo số liệu của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 69 trường hợp mắc bệnh viêm gan (VG) virus, tăng 60,46% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 69 trường hợp mắc bệnh viêm gan (VG) virus, tăng 60,46% so với cùng kỳ. Các bác sĩ cho biết, có nhiều loại virus đặc hiệu gây VG. Đến nay đã xác định được các loại virus được đặt tên virus VG A, B, C, D, E. Ngoài ra, còn một vài loại đang xác định thêm tính gây bệnh và dung mạo lâm sàng trước khi có danh pháp quốc tế xác định tên virus. Tuy nhiên, trong số các loại virus gây VG, virus VG B, C phổ biến nhất.

Bác sĩ Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, khoảng 85 - 90% người mắc bệnh VG virus B trưởng thành là diễn biến cấp tính. Trẻ nhỏ lây trực tiếp từ mẹ bị VG B có nguy cơ 90% ở thể mạn tính. Bệnh thường khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, ăn ậm ạch khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Sau 7 - 10 ngày xuất hiện vàng da, lúc này sẽ hết sốt. Trung bình 4 - 6 tuần các triệu chứng lâm sàng đỡ dần. Thể tối cấp diễn biến rầm rộ, hôn mê và tử vong trên 95%. Thể mạn tính chiếm khoảng 10%, trong số đó 40% sau này có nguy cơ xơ gan và ung thư gan nguyên phát.

Tác nhân gây bệnh VG B (viết tắt là HBV) thuộc họ Hepadnaviridae. Hiện Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 400 triệu người nhiễm HBV, chia làm 3 khu vực chính. Vùng dịch lưu hành mạnh gồm Đông Nam Á, Trung Quốc và châu Phi. Vùng lưu hành trung bình gồm: châu Âu, Nam Mỹ, Đông Âu. Vùng lưu hành thấp: Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu… Việt Nam nằm trong khu vực dịch lưu hành mạnh với khoảng 15 - 20% dân số nhiễm HBV, không khác biệt giữa các nhóm tuổi. Nhóm có nguy cơ cao là những người có nguy cơ bị nhiễm do nghề nghiệp, đồng tính luyến ái, tiêm chích ma túy, gái mại dâm, tù nhân, nhân viên y tế. Nguồn truyền nhiễm virus VG B chính là người. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 4 tháng, có thể ngắn khoảng 2 tuần và hiếm khi kéo dài trên 6 tháng. Thời kỳ lây truyền, tất cả người có HbsAg (+) đều có khả năng truyền bệnh, cả ở giai đoạn cấp lẫn mạn tính, nhưng khả năng lây cao trong giai đoạn virus đang hoạt động nhân lên, nồng độ virus trong máu cao. Phương thức lây truyền chủ yếu do tiếp xúc với máu hoặc chế phẩm của máu, dịch tiết của cơ thể, qua đường sinh dục, từ mẹ sang con, những người sống chung trong một gia đình qua các dụng cụ dùng chung như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… Biện pháp phòng, chống bệnh VG virus chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức lây truyền của bệnh để chủ động phòng tránh, tiêm phòng vắc xin VG B, thực hiện an toàn truyền máu…

Tương tự bệnh VG B, bệnh VG C thường xảy ra thầm lặng với biểu hiện chán ăn, đầy bụng, buồn nôn, nhưng chỉ khoảng 25% bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng. Trong số bệnh nhân bị VG C có 40 - 60% chuyển thành mạn tính và có thể phát triển thành xơ gan và có nguy cơ ung thư gan nguyên phát. Tác nhân gây bệnh VG C thuộc họ Flaviviridae. Bệnh VG C (HCV) có thể gặp ở mọi nơi trên toàn thế giới. Tỉ lệ nhiễm HCV cao nhất ở người tiêm chích ma túy và những người mắc bệnh ưa chảy máu, liên quan đến truyền máu. Cũng như bệnh VG B, nguồn truyền nhiễm bệnh VG C chính là người. Thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 6 tháng, trung bình 6 - 9 tuần. Thời kỳ lây truyền: Từ cuối thời gian ủ bệnh (khi chưa có triệu chứng gì trên lâm sàng) cho đến 1 tuần sau khi vàng da, đây là thời kỳ lây mạnh nhất. Thời kỳ lây truyền kéo dài và khó xác định giới hạn. Phương thức lây truyền chủ yếu từ người sang người bằng tiếp xúc qua da hoặc niêm mạc với máu hoặc các chất huyết tương, dụng cụ tiêm truyền bị nhiễm virus. Đặc biệt, người tiêm chích ma túy rất dễ lây nhiễm HCV. Về biện pháp phòng, chống, tương tự bệnh VG B, việc phòng, chống bệnh VG C chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức lây truyền của bệnh, tiêm vắc xin và thực hiện an toàn truyền máu.

KHÁNH QUỲNH