HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.
HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn này tỉnh sẽ tận dụng các lợi thế, tập trung các nguồn lực để xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Theo đó, quy hoạch này đặt mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ (nhất là công nghệ biển và đại dương), trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Toàn tỉnh đạt các tiêu chí của một thành phố trực thuộc trung ương, có tiềm lực kinh tế mạnh và phát triển năng động với cơ cấu kinh tế hiện đại; có một số sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu uy tín quốc gia và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, một số công trình hiện đại đạt trình độ tiên tiến so với các nước trong khu vực. TP. Nha Trang là một đô thị đặc thù của một trung tâm du lịch lớn, hiện đại của Việt Nam, là nơi tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; môi trường được bảo vệ và cải thiện; tài nguyên được khai thác có hiệu quả; chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vững chắc về an ninh quốc phòng.
HĐND tỉnh xác định, việc phát triển KT-XH của tỉnh phải chú trọng đến tính bền vững, phát triển KT-XH phải gắn với bảo vệ môi trường và bảo vệ an ninh quốc phòng, phát huy tối đa nhân tố con người. Đặc biệt, phải đặt Khánh Hòa trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh, trong đó Khánh Hòa giữ vai trò trung tâm; tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh để tạo ra sự đột phá, thay đổi căn bản trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Từ đó, tỉnh xác định 6 trọng điểm phát triển mang tính động lực, đột phá: Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp gắn với biển (dầu khí, đóng tàu, kinh tế hàng hải). Thứ hai, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, tạo nên cơ sở nền tảng hướng tới xây dựng Khánh Hòa thực sự trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên và của cả nước. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong tăng trưởng để xây dựng Khánh Hòa thực sự là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây nguyên và cả nước. Thứ tư, tập trung phát triển mạnh Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong và các Khu công nghiệp (KCN) tập trung tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của Khánh Hòa. Thứ năm, phát triển nhanh chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính ở tất cả các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành; từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
TP. Nha Trang sẽ là hạt nhân trong việc xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. |
Trong giai đoạn 2011 - 2020, các ngành kinh tế của tỉnh phải phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, lĩnh vực dịch vụ (du lịch, thương mại, dịch vụ) phải trở thành ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, đạt mức tăng trưởng cao. Để đạt được điều đó, cần tổ chức khai thác tốt các hoạt động kinh doanh thương mại ở các đô thị lớn như Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, KKT Vân Phong; chú trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ có chất xám cao như tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa ngang tầm quốc tế; đầu tư phát triển các trọng điểm du lịch tại Nha Trang, KKT Vân Phong và khu vực Cam Ranh có khả năng cạnh tranh với một số trung tâm du lịch biển của các nước lân cận.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp gắn với biển, theo hướng hiện đại bền vững; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, các ngành có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu. Ngoài ra, cần quan tâm tới phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả KCN Suối Dầu, Ninh Thủy, cụm công nghiệp Diên Khánh; tiến hành quy hoạch, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng các KCN Vạn Thắng, Bắc Cam Ranh và Nam Cam Ranh…
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường đô thị, các khu du lịch, KCN, KKT, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng thâm canh, tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn. Hình thành các KCN công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch; gắn kết hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành ngành mũi nhọn trong khu vực nông nghiệp, tạo kim ngạch xuất khẩu lớn. Đầu tư các đội tàu hiện đại để tăng cường đánh bắt xa bờ, đầu tư hệ thống hậu cần dịch vụ trên biển, lập đề án khai thác ngư trường Trường Sa - DK1.
Để đảm bảo phát triển KT-XH, tỉnh cần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên diện rộng. Theo đó, TP. Nha Trang sẽ được mở rộng về phía Tây tiếp cận đến Diên Khánh; hình thành một số đô thị vệ tinh như TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, Vạn Giã, Diên Khánh và tiếp tục hình thành một số đô thị mới để nâng cấp toàn tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó, hệ thống công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không phải được đầu tư nâng cấp. Trong đó, tập trung hoàn thành sớm tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, sớm triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Nâng cấp và mở rộng sân bay quốc tế Cam Ranh với việc xây dựng đường băng số 2, đạt công suất 2,5 triệu hành khách/năm…
Đề án cũng đã xác định 3 khu vực mang tính động lực của tỉnh: KKT Vân Phong, TP. Nha Trang và các vùng phụ cận, TP. Cam Ranh và các vùng phụ cận. Theo đó, TP. Nha Trang sẽ được tập trung đầu tư xây dựng trở thành trung tâm du lịch biển, trung tâm thương mại - dịch vụ của khu vực và của quốc gia. Hình thành khu công nghệ cao Tây Nha Trang, đồng thời đầu tư nâng cấp các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn… để xây dựng Nha Trang thành trung tâm khoa học kỹ thuật và giáo dục đào tạo của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. KKT Vân Phong sẽ được xây dựng thành KKT tổng hợp, trong đó Cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong, công nghiệp lọc hóa dầu, đóng tàu, công nghiệp điện giữ vai trò chủ đạo. Khu vực Cam Ranh sẽ tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, trong đó KDL Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ trở thành tổ hợp các khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại… Việc phát triển KT-XH của Khánh Hòa phải được đặt trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh, trong đó cần quan tâm đến vùng kinh tế liên tỉnh Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Nam Khánh Hòa - Bắc Ninh Thuận.
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Khánh Hòa đến năm 2020 không chỉ có ý nghĩa với Khánh Hòa, mà còn có ý nghĩa với sự phát triển KT-XH của cả khu vực. Chính vì vậy, để có thể thực hiện được những mục tiêu đã đề ra cần có giải pháp đồng bộ, sự phối hợp giữa tỉnh với các bộ, ngành liên quan.
XUÂN THÀNH