06:07, 05/07/2011

Tình yêu của người lính qua những trang thư

Nếu ai đã từng trải qua một thời trong quân ngũ sẽ không thể nào quên được những kỷ niệm đẹp của đời lính, nhất là cảm giác chờ đợi, hồi hộp, vui sướng khi nhận được những lá thư của gia đình, bạn bè, đặc biệt là từ “một nửa” của mình.

Nếu ai đã từng trải qua một thời trong quân ngũ sẽ không thể nào quên được những kỷ niệm đẹp của đời lính, nhất là cảm giác chờ đợi, hồi hộp, vui sướng khi nhận được những lá thư của gia đình, bạn bè, đặc biệt là từ “một nửa” của mình.

Những năm gần đây, công nghệ thông tin không ngừng phát triển, giúp con người thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian. Chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn, chúng ta có thể biết được tình hình của nhau. Thế nhưng với người lính, những lá thư tay vẫn là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Nó chính là cầu nối, phương tiện giao lưu tình cảm của người lính. Những ngày dài huấn luyện trên thao trường, bãi tập, hành quân xa đơn vị, các anh thường lấy chiếc ba lô làm bàn để tranh thủ viết lại những dòng cảm xúc của mình gửi về quê nhà. Chiến sĩ Lương Tuấn Anh (Tiểu đoàn 453, Lữ đoàn 957, Vùng D Hải quân) tâm sự: “Gia đình tôi ở tận Thanh Hóa. Những ngày đầu sống trong môi trường quân đội với tôi rất khó khăn. Ở một nơi xa xôi, phương tiện duy nhất để liên lạc với gia đình, bạn bè là những lá thư. Nhờ có nó mà tôi đã vượt qua khó khăn, vững tin hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Những lúc rảnh rỗi, tôi và đồng đội thường tranh thủ viết thư về cho gia đình, bạn bè và người yêu để thông báo tình hình sức khỏe cũng như tâm sự niềm vui, nỗi buồn nơi quân ngũ. Chúng tôi coi những lá thư là một người bạn tinh thần gần gũi, thân thiết của mình”.

 Các chiến sĩ ở Tiểu đoàn 453, Lữ đoàn 957, Vùng D Hải quân tranh thủ giờ nghỉ giải lao đọc cho nhau nghe những bức thư từ hậu phương xa xôi.
Những chiến sĩ xa nhà luôn sát cánh bên nhau, đoàn kết, quan tâm, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống, giúp nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ chuyền tay nhau đọc những lá thư mới nhận được từ hậu phương. Các anh ngồi lại kể cho nhau nghe chuyện gia đình, người thân, cũng có khi là câu chuyện người con gái nơi quê nhà đang chờ ngày anh xuất ngũ. Chiến sĩ Nguyễn Viết Duy (Tiểu đoàn 453, Lữ đoàn 957, Vùng D Hải quân) tâm sự: “Những bức thư từ hậu phương luôn là món ăn tinh thần vô giá đối với tôi và đồng đội. Nó giúp chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Lúc buồn hay khi rảnh rỗi, ngồi đọc lại những dòng tâm sự, động viên từ gia đình, người thân và bạn bè, tôi cảm thấy mọi người như đang ở bên cạnh cổ vũ cho tôi, giúp tôi có thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, các bức thư chính là sợi dây vô hình làm cho những trái tim xích lại gần nhau. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn với những người lính đang làm nhiệm vụ nơi địa đầu Tổ quốc hay nơi hải đảo xa xôi, dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, hơn ai hết, các chiến sĩ luôn thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, nguồn động viên tinh thần từ đồng chí, đồng đội, gia đình, bạn bè sẽ giúp các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những bức thư từ quê nhà không chỉ là món ăn tinh thần với người lính mà còn trở thành một kỷ vật thiêng liêng của những người từng ở trong quân ngũ”.

Không quá nếu chúng ta nói rằng, những bức thư tay của người lính giống như một bức tranh nhiều màu sắc. Nó phản ánh đời sống tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là sức mạnh giúp các anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hình ảnh người chiến sĩ tranh thủ viết thư gửi về hậu phương trong những phút giải lao trên đường hành quân có lẽ sẽ còn sống mãi với thời gian.

THÀNH NAM