04:07, 22/07/2011

Tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và phí vệ sinh

HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và phí vệ sinh phục vụ Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang.

HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung về việc thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải sinh hoạt và phí vệ sinh phục vụ Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang. Nghị quyết này sẽ sửa đổi, bổ sung đối tượng thu phí và điều chỉnh mức thu phí BVMT tăng đều 20% từ năm 2011 đến năm 2014…

Lộ trình thu phí nước thải và quản lý chất thải rắn trong giai đoạn 2008 - 2014 cho Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang đã được HĐND tỉnh khóa IV thông qua tại Nghị quyết 19/NQ-HĐND. Qua 3 năm thực hiện đã mang lại những kết quả bước đầu như bù đắp một phần chi phí thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải rắn; có nguồn kinh phí nạo vét, tu sửa hệ thống thoát nước thành phố và từng bước nâng cao ý thức BVMT của người dân.

 Việc tăng mức phí vệ sinh góp phần bù đắp một phần chi phí thu gom, xử lý rác (Trong ảnh: Bãi rác Rù Rì, Nha Trang).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đó là mức thu phí còn thấp so với lộ trình tăng phí được quy định trong Hiệp định đã ký kết với Ngân hàng Thế giới; tổng thu phí vệ sinh chưa đảm bảo bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển xử lý như lộ trình đã cam kết. Hàng năm, ngân sách tỉnh phải cấp bù còn cao; mức phí BVMT đối với nước thải chưa bảo đảm nguồn kinh phí khấu hao, vận hành hệ thống xử lý nước khi dự án hoàn thành. Mới đây, qua kiểm tra Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo mức thu phí hiện nay chưa đảm bảo bù đắp các khoản chi phí vận hành theo lộ trình cam kết, tiến đến việc ngân sách Nhà nước không cấp bù cho các doanh nghiệp khi dự án hoàn thành.

Con số thống kê việc thu phí vệ sinh trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 cho thấy: Tỷ lệ thu hồi chi phí khoảng 24%, thấp hơn nhiều so với mức đưa ra năm 2008 là 71%; năm 2009 là 75% và năm 2010 là 81%. Trong đó, doanh thu thu phí năm 2008 là 7,1 tỷ đồng, chi phí quản lý chất thải rắn là 29,6 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi chi phí 24,08%); năm 2010 là 9,2 tỷ đồng, chi phí quản lý chất thải rắn là 38,2 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi chi phí là 24,03%). Việc thu phí vệ sinh cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, đó là ý thức trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc sử dụng dịch vụ và nộp phí chưa cao. Một bộ phận dân cư ở các xã nông nghiệp và phường biển tự xử lý rác bằng hình thức chôn lấp hoặc vứt bừa bãi xuống ao, hồ, sông biển… Việc thu phí vệ sinh chỉ giao cho Công ty Môi trường đô thị thu nên công tác tổ chức thu chưa được các cấp, các ngành chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Hiện nay vẫn không có biện pháp chế tài đối với người không nộp phí vệ sinh và mức thu phí còn thấp chưa đạt được mức thỏa thuận trong Hiệp định đã ký kết với Ngân hàng Thế giới. Tổng thu phí vệ sinh chưa bù đắp được chi phí thu gom, xử lý, quản lý vận hành nên ngân sách Nhà nước còn cấp bù cao.

Việc thu phí BVMT đối với nước thải cũng còn nhiều tồn tại. Theo báo cáo của Công ty Cấp thoát nước, do nguồn kinh phí thu so với nhu cầu sử dụng phí nước thải để duy tu, nạo vét và sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước hiện có của TP. Nha Trang trong những năm qua và hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí. Vì vậy, Công ty chỉ sử dụng để nạo vét các tuyến cống, cửa xả 2 năm một lần, các máng thu, hố ga 8 tháng một lần, việc sửa chữa cải tạo, lấp hố ga, ngăn mùi chống hôi rất hạn chế… Vì vậy chưa khắc phục được tình trạng tắc nghẽn các tuyến cống, hố ga gây ngập úng nhiều nơi trong trung tâm thành phố và các khu vực ngoại ô. Chính vì thế, khi dự án hoàn thành phải vận hành Nhà máy xử lý nước thải thì mức thu trên không đủ để hoạt động, xử lý nước trước khi thải ra môi trường.

Theo ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính: “Việc điều chỉnh sẽ theo nguyên tắc tăng dần theo lộ trình nhằm bảo đảm bù đắp chi phí hoạt động và khấu hao tài sản thiết bị, giảm phần cấp bù của ngân sách để tiến tới đảm bảo tự hoạt động khi dự án kết thúc như Hiệp định đã ký kết. Điều chỉnh đầy đủ, đúng mức các đối tượng được hưởng lợi từ dự án nhằm tránh thất thu”.

Theo đề xuất sửa đổi đối tượng chịu phí là hộ gia đình (bao gồm thường trú và tạm trú); hộ kinh doanh, buôn bán, khách sạn, nhà hàng; các cơ quan hành chính; sự nghiệp; cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế; bến cảng, siêu thị… Các đối tượng không chịu phí là các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo của tỉnh. Mức phí sẽ được điều chỉnh hàng năm tăng 20% so với năm trước. Một số đối tượng thu cần điều chỉnh là hộ kinh doanh hàng ăn uống, rau củ quả chưa qua chế biến, thực phẩm tươi sống, hải sản; hộ kinh doanh các ngành hàng khác là khách sạn có kinh doanh ăn uống…

Phí BVMT đối với nước thải cũng được điều chỉnh tăng để đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động và tạo tích lũy nguồn kinh phí chuẩn bị cho việc tiếp quản vận hành, bảo dưỡng và quản lý sau khi Nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong kiến nghị: Tỉnh nên làm việc với Bộ Tài chính về cách thức thu phí BVMT đối với nước thải cho phù hợp hơn vì hiện nay việc thu phí nước thải thông qua nước sạch là chưa hợp lý. Bên cạnh đó cần có kế hoạch sử dụng phí nước thải đúng và hiệu quả.

B.K