08:07, 05/07/2011

Sáng tạo nhỏ, lợi ích lớn

Trăn trở trước áp lực trong công việc của các điều dưỡng viên và chi phí của người bệnh, bà Bùi Thị Mai Thanh - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ.

Trăn trở trước áp lực trong công việc của các điều dưỡng viên (ĐDV) và chi phí của người bệnh, bà Bùi Thị Mai Thanh - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ. Sáng tạo đó đã góp phần làm giảm chi phí cho người bệnh, giảm áp lực công việc cho ĐDV và làm lợi cho BV.

. Sáng tạo nhỏ

BVĐK tỉnh có số lượng bệnh nhân (BN) nhập viện rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Trong đó, quá tải trong việc tiêm thuốc và truyền dịch đã tạo ra áp lực rất lớn cho công tác điều dưỡng. Thế nhưng mọi chuyện giờ đây đã khác. Từ ngày BV đưa vào áp dụng sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ do bà Bùi Thị Mai Thanh - Trưởng phòng Điều dưỡng nghiên cứu và áp dụng thành công - đã giúp các ĐDV có thời gian để chăm sóc người bệnh nhiều hơn và chu đáo hơn. Đồng thời, giảm phần nào áp lực trong công tác điều dưỡng khi lượng người bệnh luôn quá tải, nhất là ở các Khoa: Ngoại tổng quát, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Tim mạch lão học, Nội tổng hợp thần kinh…

Sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ bắt đầu nhen nhóm trong suy nghĩ của bà Thanh đầu năm 2008. Ý tưởng đó càng thôi thúc bà tìm tòi, nghiên cứu khi hàng ngày bà chứng kiến cảnh các ĐDV rất vất vả, thời gian chăm sóc BN không được nhiều. Bên cạnh đó, với những BN là người già, trẻ em, khi tiêm truyền thuốc rất khó lấy được tĩnh mạch nên buộc phải lấy nhiều lần, từ đó gây đau cho người bệnh và nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Bà Thanh cho biết: “Để giảm tải trong thủ thuật tiêm truyền và giúp ĐDV có nhiều thời gian chăm sóc cũng như đem lại những lợi ích cho người bệnh, tôi đã áp dụng sáng kiến lưu kim luồn trong tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi 72 giờ ở các trường hợp như: Tĩnh mạch khó lấy, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dịch kéo dài trong nhiều ngày, giữ tĩnh mạch để tiêm thuốc hoặc truyền dịch cách khoảng (trừ trường hợp BN nặng cần giữ tĩnh mạch bằng dịch truyền theo y lệnh bác sĩ)”.

Tuy nhiên, để sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ được Ban lãnh đạo và nhân viên BV đưa vào áp dụng là cả một quá trình “đấu tranh” không biết mệt mỏi của bà Thanh. Không phụ công sức của bà, qua những lần giải trình, bảo vệ trước Hội đồng Khoa học Kỹ thuật BV, sáng kiến của bà đã được Hội đồng đánh giá cao. Ban lãnh đạo BV thấy được lợi ích của sáng kiến nên nhanh chóng đưa vào áp dụng. Trong một thời gian, sáng kiến của bà đã phát huy hiệu quả trên nhiều mặt.

Bên cạnh đó, để sáng kiến của mình đến được với các ĐDV, bà đã truyền đạt những kiến thức và được đông đảo ĐDV hưởng ứng, học tập và áp dụng thành thạo. Đến nay, sáng kiến của bà đã được áp dụng tại tất cả các khoa trong BV.

Bà Bùi Thị Mai Thanh - Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang hướng dẫn thao tác lưu kim luồn 72 giờ cho các điều dưỡng viên.
 
. Lợi ích lớn

Cho đến bây giờ, bà Thanh cũng không khỏi bất ngờ trước những lợi ích mà sáng kiến nhỏ của mình đem lại. Lật từng trang sổ thống kê sau 1 năm sử dụng các dụng cụ, vật tư, thuốc men từ khi áp dụng sáng kiến của bà, BV đã tiết kiệm chi phí cho người bệnh và đơn vị hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền không nhỏ của một sáng kiến nhỏ.

Sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ sẽ giúp cho người bệnh tránh được sự nhiễm trùng khi điều trị tại BV. Bởi, trong kỹ thuật lưu kim luồn có sự cải tiến từ việc sử dụng ống nước muối 5ml (tránh tắc kim) dành riêng cho mỗi BN thay vì dùng 1 chai nước muối 500ml cho nhiều BN. Bà Tôn Nữ Mỹ Liên - ĐDV Khoa Nội tổng hợp thần kinh cho biết: “Từ ngày áp dụng sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ, các thao tác đặt đường truyền tĩnh mạch trong những trường hợp cấp cứu của các ĐDV trở nên nhanh gọn và an toàn hơn. Chỉ cần mở nắp trên kim luồn là có thể bơm thuốc hoặc gắn dây truyền vào kim luồn đang lưu là xong. Từ đó, làm giảm thời gian khi thực hiện các thao tác trong tiêm truyền, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh; ĐDV không bị vướng bởi hệ thống dây truyền khi làm các thao tác kỹ thuật chăm sóc trên người bệnh”. Bên cạnh đó, người bệnh giảm đau và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn do không bị đâm kim nhiều lần; thuận lợi trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, vận động, xoay trở… Không những thế, sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ còn làm giảm một lượng khá lớn rác thải y tế trong quy trình tiêm truyền.

Với sáng kiến đó, vừa qua, bà Thanh đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Với bà, linh hoạt, sáng tạo trong công việc là niềm vui, hạnh phúc khi mình đã đóng góp một phần công sức nhỏ cho tập thể và người bệnh.

VĂN GIANG