06:07, 13/07/2011

Nâng cao giá trị sản xuất ngành Công nghiệp vật liệu xây dựng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.

 
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Quy hoạch (QH) phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. QH này sẽ là cơ sở để quản lý có hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản để làm VLXD cũng như phát triển ngành Công nghiệp sản xuất (SX) VLXD một cách khoa học, hiệu quả, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho thị trường xây dựng trong tỉnh và xuất khẩu.

QH phát triển VLXD tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 được lập với quan điểm phải phù hợp với QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã phê duyệt, phù hợp với QH các ngành trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, đồng thời phù hợp với các QH phát triển ngành VLXD đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, xem xét giải thể các doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở SX VLXD mới được phân bố theo hướng tập trung vào các cụm công nghiệp của tỉnh. Các VLXD thông thường phân bố gần với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ để giảm bớt việc vận chuyển.

Mục tiêu của QH là phấn đấu đạt được sản lượng VLXD theo nhu cầu đã được dự báo đối với các chủng loại VLXD thông thường; phát huy hết công suất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao dựa trên lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực và vị trí địa lý để cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận và xuất khẩu; nâng giá trị SX ngành Công nghiệp VLXD đến năm 2015 gấp 6-7 lần, năm 2020 gấp 9-10 lần so với năm 2008. Nhịp độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2008-2020 đạt khoảng 20-22%. Bên cạnh đó, thu hút thêm hơn 3.000 lao động phục vụ cho các cơ sở SX VLXD, trong đó có hơn 10% là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành trình độ từ Trung cấp trở lên.

QH nêu rõ năng lực SX VLXD đến năm 2020. Dự kiến đến năm 2015, xi măng 1,63 triệu tấn (chỉ có 1,63 triệu tấn xi măng được SX trên địa bàn; 0,5 triệu tấn còn lại được cung cấp qua trạm Trung chuyển phân phối của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn); vật liệu xây là 561 triệu viên, trong đó gạch nung 357 triệu viên, gạch bloc bê tông 117 triệu viên và gạch bê tông nhẹ 87 triệu viên. Năm 2020: vật liệu xây 778 triệu viên, trong đó gạch nung: 387 triệu viên, gạch bloc bê tông 234 triệu viên và gạch bê tông nhẹ 157 triệu viên.

Các công trình SX VLXD dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 là công trình tinh chế cát thủy tinh phục vụ trong nước và xuất khẩu tại mỏ cát trắng huyện Cam Lâm; đầu tư các nhà máy chế biến đá ốp lát tại Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm; chuyển đổi công nghệ SX gạch nung tại Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với công suất đầu tư 180 triệu viên/năm, vốn đầu tư dự tính 180 tỷ đồng; đầu tư SX gạch bloc bê tông tại Đắc Lộc (Nha Trang) và Cam Phước Đông (Cam Ranh), Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Sơn; đầu tư SX bê tông khí chưng áp tại Khu Công nghiệp Vạn Ninh 100.000m3/năm, với tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng; đầu tư mở rộng, đầu tư mới khai thác, chế biến đá xây dựng tại mỏ thuộc các huyện: Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thị xã Ninh Hòa… Về khai thác cát xây dựng, sẽ đầu tư khai thác các mỏ cát lòng sông tại Diên Khánh, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Cam Lâm và Khánh Vĩnh; đầu tư SX cát nhân tạo tại Vạn Ninh và TP. Cam Ranh với công suất 450.000m3/năm.

Để thực hiện được mục tiêu của QH phát triển VLXD đến năm 2020, tỉnh đã đề ra một số giải pháp như: tập trung giải quyết tốt cân đối về tài chính phục vụ cho việc phát triển SX VLXD. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển SX VLXD ở Khánh Hòa theo phương án QH đến năm 2020 là 1.776,85 - 1.802,7 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 1.186,15 - 1.211,85 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 590,7 - 590,85 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu về vốn, cần huy động những nguồn vốn của các tổ chức DN, cá nhân và vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển SX VLXD.

Các cơ quan chức năng cần có chính sách, cơ chế thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn lực như: nguồn vốn, đất đai, mặt bằng SX; chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu VLXD mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực và vai trò của các hội nghề nghiệp, DN để tìm hiểu nhu cầu phục vụ xây dựng chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển thị trường; đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư và điều tra cơ bản để phục vụ cho yêu cầu phát triển ngành VLXD. Trước mắt, cần tiến hành thăm dò chi tiết các mỏ cát xây dựng, sét gạch ngói… dự kiến đầu tư khai thác trong giai đoạn từ nay đến năm 2015; tiếp tục tiến hành điều tra cơ bản về nguồn khoáng sản làm VLXD như đối với các loại đất đá ốp lát, sét gạch ngói, đá xây dựng, cát xây dựng… nhằm kịp thời điều chỉnh các số liệu phục vụ cho nhu cầu phát triển VLXD; tiến hành bổ sung, điều chỉnh QH phát triển VLXD tỉnh theo kế hoạch từ 3 đến 5 năm.

Mặt khác, tăng cường đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành VLXD phục vụ cho nhu cầu phát triển SX và nghiên cứu VLXD. Ước tính, số nhân lực cần đáp ứng cho nhu cầu phát triển các loại VLXD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 3.281 người. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát, giám định công nghệ để nâng cao chất lượng, sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường trong SX VLXD như: Tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư phát triển VLXD mới; tăng cường kiểm soát, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về chất lượng, sản phẩm và đăng ký về môi trường của các DN khai thác và
SX VLXD.

Bên cạnh đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu VLXD sang các nước để thúc đẩy SX VLXD phát triển. Các cơ quan quản lý của tỉnh cần hỗ trợ các DN SX VLXD trên địa bàn tỉnh trong việc xúc tiến thương mại điện tử, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm VLXD mới được SX trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các DN SX VLXD tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh có dân số đông, trong đó số lượng dân cư sống ở các vùng nông thôn tương đối lớn; vì vậy, để mở rộng thị trường tiêu thụ VLXD, cần thiết phải quan tâm đến thị trường khu vực nông thôn; chú trọng kết hợp giữa khai thác, phát triển SX VLXD với bảo vệ môi trường.

THU AN