02:07, 29/07/2011

Quan trọng nhất là giữ vệ sinh

Theo số liệu của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh có 471 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, tăng 42,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh có 471 ca mắc bệnh lỵ trực trùng (LTT), tăng 42,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bác sĩ cho biết, bệnh LTT thường xảy ra vào mùa nắng. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể xảy ra tử vong do bệnh nhân (BN) đi tiêu ra máu ồ ạt, rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn.

Bác sĩ Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, LTT là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigelle với biểu hiện lâm sàng đa dạng (25% có hội chứng lỵ rõ, 25% nhiễm khuẩn không triệu chứng, đa số trường hợp chỉ có tiêu chảy nhẹ, một số ít có diễn tiến mãn tính). Biểu hiện lâm sàng của bệnh: đau thốn vùng trực tràng, mót rặn, đi tiêu nhiều lần (trường hợp nặng có thể đi tiêu 20-40 lần/ngày), phân nhầy máu, lượng phân về sau càng ít dần, sốt cao 39-40 độ C kèm ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn hoặc nôn. Ở trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao hoặc do nhiễm độc thần kinh. Sốt thường giảm sau vài ngày. Thể trạng BN suy sụp nhanh chóng, mệt mỏi, hốc hác, môi khô, lưỡi vàng nâu.

Thường thì sau 1 đến 2 tuần không điều trị, bệnh LTT cũng cải thiện tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh cảnh lâm sàng có thể sẽ rất khác biệt. Thể nặng và cấp: BN sốt cao, lạnh run, đi tiêu ra máu ồ ạt, rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. Thể nhẹ: BN tiêu chảy nhẹ hoặc không triệu chứng rõ ràng, đau bụng âm ỉ, tiêu phân lỏng thoáng qua sau đó tự giới hạn. Thể mãn tính: BN tiêu chảy máu kéo dài làm mất nhiều đạm, rối loạn nước điện giải kéo dài, suy kiệt. Trẻ em từ 1-4 tuổi thường bệnh cấp tính với sốt rất cao, kèm co giật và biểu hiện thần kinh như: li bì, lơ mơ, đau đầu, cổ cứng. Một số trường hợp có thể tử vong do hội chứng tán huyết, u rê huyết cao hoặc sốc nội độc tố.

Bệnh LTT chủ yếu lây qua đường phân - miệng, trực tiếp hay gián tiếp. Sự lây nhiễm có thể xảy ra sau khi nuốt 10-100 vi khuẩn. Bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước. Tuy nhiên, trong vụ dịch, lây gián tiếp qua ruồi nhặng, thức ăn, nước uống là đường lây chính.

Các bác sĩ cảnh báo, trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh LTT do chưa có ý thức vệ sinh và chưa đủ miễn dịch. Trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ ít mắc bệnh do sữa mẹ có kháng thể đặc hiệu. Ở người lớn, bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn nam do tiếp xúc gần gũi với trẻ bệnh. Sự lây nhiễm trong gia đình xảy ra sau khi có trẻ nhỏ bị mắc bệnh. Bệnh hay bộc phát trong các tập thể nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam…

Để phòng, chống dịch bệnh LTT, theo bác sĩ Phan Thế Long, bên cạnh đẩy mạnh giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc rửa tay, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: xây hố xí hợp vệ sinh; bảo vệ, lọc, clo hóa nguồn nước sinh hoạt. Trên thực địa, có thể dùng viên Chloramin T để khử trùng nước hoặc khuyến cáo uống nước chín; diệt ruồi, xử lý rác; kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là rau sống, sò. Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; cần đun sôi sữa và nước trước khi cho trẻ uống. Cấm những người mang khuẩn hành nghề chế biến thực phẩm hoặc chăm sóc BN cho đến khi cấy phân 3 lần liên tiếp đều âm tính (mỗi lần cách nhau 1 tháng) và ít nhất 48 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Trường hợp BN sốt cao, co giật, tiêu chảy có máu kéo dài hoặc ồ ạt cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

KHÁNH QUỲNH