03:07, 06/07/2011

Người được hưởng chế độ còn ít

Ở Khánh Hòa, chỉ khoảng 10% số người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Ở Khánh Hòa, chỉ khoảng 10% số người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đó là một con số quá thấp nhưng thực tế khó có thể khác vì những khó khăn và bất cập mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nói chung và Huyện hội Vạn Ninh nói riêng đang gặp phải.

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người từng sinh sống, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong vùng bị quân thù rải chất độc hóa học mà người ta vẫn gọi là chất độc da cam. Khi hòa bình trở về, cuộc sống của nhiều người trong số họ là những tháng ngày “vật lộn” với hàng loạt căn bệnh quái ác mà họ không hề biết rằng nó có nguyên nhân từ chất độc da cam/dioxin.

Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Bộ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, đồng thời là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Bản thân là một bác sĩ, lại có thời gian tiếp xúc nhiều với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin nên tôi hiểu thấu nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Không ít trường hợp, đến khi căn bệnh ung thư phát tác thì mới phát hiện ra nguyên nhân từ chất độc da cam/dioxin. Những căn bệnh, nhất là ung thư, khi đã đến giai đoạn phát tác, thời gian còn lại của người bệnh là không nhiều, không đủ để làm các thủ tục được hưởng các chế độ ưu đãi. Nghĩa là đã có những trường hợp đến khi cận kề với cái chết mới được phát hiện bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin”.

Như vậy, có thể thấy trước khi những hội viên bị bệnh phát tác, nếu như Hội kịp thời tuyên truyền cho họ biết về quyền lợi của mình thì có thể họ sẽ được hưởng chế độ nếu làm hồ sơ kịp thời. Tuy nhiên, điều đó là rất khó vì những bất cập trong công tác tổ chức của Hội.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì số người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin của huyện Vạn Ninh lên tới 400 nhưng toàn huyện chỉ có gần 80 trường hợp được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Còn toàn tỉnh có khoảng 10 ngàn người bị phơi nhiễm, nhưng chỉ khoảng 1/10 con số ấy được xác định và hưởng các chế độ chính sách. Đó là một con số quá thấp khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã bước vào nhiệm kỳ thứ 2 sau hơn 5 năm đi vào hoạt động.

Vậy nhưng gần đây, hàng loạt hồ sơ xét chế độ chính sách dành cho những trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin bị ngưng trệ do quy định mới, thắt chặt hơn và tạm ngưng xét duyệt đối với một số loại bệnh như đái tháo đường type 2 và bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Việc xác định bệnh nhân thực sự bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin càng bị giới hạn hơn. Trong khi ở một số xã, phường thuộc TP. Nha Trang, 100% số người nộp hồ sơ đều được chuyển lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Những trường hợp chưa đủ điều kiện đã được trả lời cụ thể.

Thực tế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết, ở một trong 5 Hội đặc thù như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, việc kiện toàn tổ chức cho đến nay vẫn con dang dở mặc dù các Hội cấp huyện, thị xã, thành phố và ban vận động đã được xây dựng, với khoảng 60 chi hội cơ sở, hơn 2.200 hội viên. Nhưng chủ yếu là những cán bộ kiêm nhiệm. Chẳng hạn như ở Huyện hội Vạn Ninh hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách, chưa có trụ sở Hội… đồng nghĩa với các hoạt động chủ yếu mang tính tự nguyện và thiếu đồng đều. Một khi tổ chức Hội còn “thiếu trước hụt sau” thì nhiệm vụ phát triển hội viên cũng chỉ đạt ở mức độ cầm chừng.

Cho nên, tuy đã xác định khá rõ ràng số người bị phơi nhiễm (chẳng hạn như trong số khoảng 10 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Khánh Hòa, đã xác định có trên 2 ngàn người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trên 4 ngàn người dân thường sống trong vùng bị Mỹ thả chất độc hóa học và hơn 2.300 người là con đẻ của dân thường cùng với gần 800 nạn nhân là con đẻ của những người trực tiếp tham gia kháng chiến) nhưng con số những nạn nhân được hưởng các chế độ ưu đãi chỉ bằng 10% so với số người bị nhiễm.

Trong phương hướng nhiệm vụ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Huyện hội Vạn Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2015 đều đặt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin làm trọng tâm. Nhưng có lẽ, việc xác định và hỗ trợ các nạn nhân bị phơi nhiễm cũng cần được đặt lên hàng đầu. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu những trường hợp vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi bị phơi nhiễm lại chưa được sự quan tâm kịp thời từ các cấp, các ngành chức năng.

H.Đ