Tuy không nói nhiều về những việc làm của mình, không bày tỏ nhiều về tình cảm nhưng nhìn những cái ôm thân tình, cái nắm tay ân cần mà các anh chị dành cho mẹ, chúng tôi mới cảm nhận được hết tấm lòng tri ân sâu sắc đó.
Tuy không nói nhiều về những việc làm của mình, không bày tỏ nhiều về tình cảm nhưng nhìn những cái ôm thân tình, cái nắm tay ân cần mà các anh chị dành cho mẹ, chúng tôi mới cảm nhận được hết tấm lòng tri ân sâu sắc đó. Thiết thực và cảm động, việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) của các đơn vị, doanh nghiệp đã trở thành một đạo lý, như tình cảm của những người con đối với bậc sinh thành…
. Từ tấm lòng chân thành
Theo chân đoàn cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (NHĐT-PT) Chi nhánh Khánh Hòa, chúng tôi đến thăm nhà mẹ VNAH Lê Thị Sang (44 Quang Trung, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) trong dịp cả nước đang hướng về ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Mấy tháng nay, mẹ Sang không được khỏe, phải nằm điều trị tại nhà. Thế nhưng, khi chúng tôi đến thăm, mẹ vẫn gắng gượng ngồi dậy trò chuyện và hỏi han như những đứa con đi xa về. Nhìn nụ cười móm mém, dáng người gầy, xanh xao của mẹ, không ai nghĩ rằng người phụ nữ này đã 3 lần kiên cường vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con. Chồng và 2 con trai đầu của mẹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Mộ Đức, Quảng Ngãi. Đến năm 1991, một lần nữa mẹ lại mất thêm đứa con trai còn lại vì nhiễm chất độc da cam quá nặng. Bằng tấm lòng chân thành, mong muốn sẻ chia những nỗi đau mất mát lớn đó, hơn 9 năm qua, NHĐT-PT Chi nhánh Khánh Hòa đã nhận phụng dưỡng và chăm sóc mẹ đến cuối đời. Các cán bộ ngân hàng thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện để mẹ vơi bớt nỗi hiu quạnh và vui sống trong quãng đời còn lại. Chị Lâm Thị Nguyệt Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn NHĐT-PT Khánh Hòa tâm sự: “Nhiều lần trò chuyện, mẹ đều trăn trở, lo lắng vì chưa tìm thấy hài cốt của các con đang nằm nơi đâu. Nghe vậy, chúng tôi càng thấy thương mẹ hơn. Những người con của mẹ đã không quản gian khổ, hy sinh cả xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Được chăm sóc mẹ là niềm tự hào của chúng tôi”.
Mẹ Lê Thị Sang vẫn thường kể cho cán bộ Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nghe về kỷ niệm của chồng và 2 người con đã hy sinh. |
. Đến việc làm thiết thực
Mong muốn san sẻ một phần nỗi mất mát, đau thương và giúp mẹ vui sống, NHĐT-PT thường xuyên cử người
đến thăm hỏi tình hình sức khỏe, bệnh tình của mẹ Sang. Con gái mẹ Sang cho biết: “Có những lần mẹ bệnh, không biết có ai báo mà ngay ngày hôm sau, các anh chị đã đến thăm mẹ rồi”. Ngoài khoản tiền hỗ trợ phụng dưỡng hàng tháng 300 ngàn đồng, vào các dịp lễ, Tết, ngày Thương binh, liệt sĩ, Công đoàn NHĐT-PT đều đến thăm hỏi và tặng quà cho mẹ. Biết sức khỏe của mẹ yếu dần, trong những lần đến thăm, cán bộ Công đoàn luôn mua thêm sữa, nước uống bổ dưỡng để mẹ bồi bổ sức khỏe.
Đối với mẹ Nguyễn Thị Cương, tuy vẫn sống cùng con cháu nhưng những lúc ốm đau, bệnh tật, mẹ vẫn thường được đưa vào Bệnh viện Quân y 87 để điều trị và chăm sóc. Hơn 17 năm qua, không lần nào mẹ đau ốm mà không có mặt các y, bác sĩ của Bệnh viện bên cạnh. Với khả năng chuyên môn và tình cảm đền đáp chân thành, Chính ủy cùng cán bộ, y, bác sĩ luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe của mẹ chu đáo. Nhiều lần mẹ bệnh nặng, các y, bác sĩ thay phiên nhau túc trực bên cạnh để điều trị và động viên tinh thần mong mẹ sớm khỏi bệnh.
Còn đối với mẹ Lê Thị Mơi, trước đây, sức khỏe còn tốt, mẹ vẫn hay ghé vào Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12 trò chuyện với mọi người. Bởi với mẹ, các anh chị đã là con cháu trong nhà. Khi sức khỏe của mẹ yếu dần, các anh chị thường xuyên ghé thăm nhà mẹ hơn. Trong căn nhà tình nghĩa mà Công ty hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, mẹ Mơi vẫn “để dành” những chiếc ghế, chiếc ly để “chúng nó đến chơi có cái mà ngồi, mà uống”.
Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH đã trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đó không chỉ là trách nhiệm, là bổn phận đối với các Mẹ VNAH mà còn như một nén tâm nhang của thế hệ đời sau gửi tới vong hồn những liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc.
HOÀNG DUNG