Hình ảnh những người phụ nữ làm nghề đồng nát đã quá quen thuộc với người dân thành phố. Ngoài chuyện hoàn cảnh nghèo phải lên phố thị mưu sinh, ít ai biết rằng, đằng sau đó là những câu chuyện đời xúc động, trong đó có những bà mẹ chấp nhận đổ những giọt mồ hôi để…
Hình ảnh những người phụ nữ làm nghề đồng nát đã quá quen thuộc với người dân thành phố. Ngoài chuyện hoàn cảnh nghèo phải lên phố thị mưu sinh, ít ai biết rằng, đằng sau đó là những câu chuyện đời xúc động, trong đó có những bà mẹ chấp nhận đổ những giọt mồ hôi để… “đổi chữ” cho các con.
Nghị lực của những người mẹ nghèo
Trời đã xế chiều nhưng bà Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vẫn nhẫn nại đạp xe, cất tiếng rao mua đồng nát. Từ ngày cô con gái đầu đậu đại học, bà Loan phải tăng thêm giờ làm để hy vọng kiếm đủ tiền gửi cho con hàng tháng. Lau vội mồ hôi trên má, bà Loan chia sẻ: “3 đứa con tôi đều đang tuổi ăn học, nhưng nhà chỉ có 2 sào ruộng khoán. Do không muốn con nghỉ học giữa chừng nên tôi đành bỏ quê vào đây làm nghề mua bán phế liệu, mong kiếm thêm ít đồng để giúp chồng lo cho con”. Hàng ngày, bà Loan thức dậy lúc 5 giờ, đạp xe đi khắp các ngõ, hẻm trên địa bàn Nha Trang, rồi ra cả vùng ngoại thành để tìm mua phế liệu. Cuối ngày, bà lại thu gom phế liệu để đem cân cho chủ vựa trên đường 2-4, TP. Nha Trang. Giá cả phế liệu được các chủ vựa “niêm yết” sẵn như: Giấy báo giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg, nhựa 4.000 đồng/kg, sắt, nhôm… có giá tùy theo loại và chất lượng. Dầm mưa dãi nắng, mỗi ngày, bà Loan kiếm được 60.000 đến 70.000 đồng từ tiền bán phế liệu. Tiền kiếm được, bà chi tiêu rất tiết kiệm để còn dành dụm gửi cho con gái đầu đang học Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
Tần tảo để “đổi chữ” cho con. |
Đồng cảnh ngộ với bà Loan, bà Ngô Thị Phương (40 tuổi, quê ở Phú Yên) đã có “thâm niên” 13 năm trong nghề mua bán phế liệu. Chồng bà, ông Nguyễn Tiến Minh bị thoái hóa cột sống, không thể làm gì được; đứa con trai đầu mất lúc đang học lớp 10 do mắc bệnh u não. Bao nhiêu gánh nặng trong gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của bà. Thương con, không muốn vì cái nghèo mà con phải bỏ học, bà Phương đã khăn gói vào Khánh Hòa lấy nghề mua bán phế liệu mưu sinh, nuôi chồng và 3 đứa con ăn học. “Chỉ có cái chữ mới giúp các con có tương lai nên nghèo đến mấy, cực khổ đến mấy, tôi cũng không để các con phải bỏ học giữa chừng. Nghề này vất vả nhưng lâu rồi thành quen, giờ có khổ thêm tí nữa tôi cũng chịu được”, bà Phương trải lòng. Thuê nhà trọ giá rẻ ở khu chợ Đầm, dè sẻn các khoản chi tiêu nên mỗi tháng, bà Phương dành dụm được khoảng 800.000 đồng để gửi về quê, giúp chồng nuôi con.
Chắp cánh ước mơ
Nhà nghèo, nhưng các con của bà Loan đều rất chăm học. Tiếp nối người chị gái, năm nay, con trai của bà Loan là Võ Xuân Ngọc (học lớp 12) cũng quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Quy Nhơn. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên mỗi ngày, ngoài thời gian đến trường, em đi làm phụ hồ cùng bố để tích cóp thêm tiền. “Ngày cháu thi, tôi không về được. Thương con nhưng chỉ biết thầm mong con thi cử may mắn”, bà Loan nói. Mong cho con thi đỗ đại học, nhưng bà Loan vẫn canh cánh nỗi lo, bởi không biết mình có đủ sức lo cho con ăn học hay không. Những lúc phế liệu nhiều, chở nặng, trán ướt đẫm mồ hôi nhưng bà vẫn cảm thấy vui vì biết rằng, xe chở càng nặng thì càng có thêm tiền để lo chuyện học hành cho các con.
Không phụ lòng mẹ, năm nào, 3 người con của bà Phương cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện nay, cô con gái đầu của bà Phương đang là sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh; 2 con trai: Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Sơn đang theo học cấp 2 tại quê nhà, cũng học rất giỏi. Chính vì vậy, tuy phải làm lụng rất vất vả nhưng mỗi khi nghĩ đến các con, bà Phương lại thấy ấm lòng, bao nhiêu mệt nhọc dường như đều tan biến. “Tuy nghèo khó nhưng thấy các con học giỏi là tôi mừng. Các con giúp tôi có thêm niềm tin để làm việc và vững bước trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời”.
Lời tâm sự của bà Phương có lẽ cũng là tấm lòng chung của nhiều phụ nữ đang ngày đêm còng lưng đạp xe mua phế liệu để nuôi con ăn học với mong muốn mai sau con cái của mình sẽ bớt khổ!
ANH KHOA