07:07, 20/07/2011

Số người vi phạm vẫn cao

Qua triển khai đợt cao điểm (từ ngày 25-4 đến 30-6) đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã bố trí lực lượng tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến địa bàn trọng điểm...

Qua triển khai đợt cao điểm (từ ngày 25-4 đến 30-6) đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã bố trí lực lượng tăng cường bảo đảm TTATGT trên các tuyến địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nhằm nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát (TTSK), xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm… Tuy nhiên, tình hình vi phạm TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng gia tăng…

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý lái xe vi phạm tốc độ.
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB, đường sắt, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần giảm thiểu số vụ TNGT, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSGT Công an tỉnh và Đội CSGT Công an các huyện, thị xã, thành phố mở đợt cao điểm đảm bảo TTATGT trong dịp Hè năm 2011 (diễn ra từ ngày 25-4 đến 30-6). Thời gian này, lực lượng CSGT toàn tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng các huyện, thị xã, thành phố mở chiến dịch tuyên truyền về TTATGT, tập trung vào các chuyên đề như: Điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; thực hiện quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ tỉnh đến huyện đưa các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT và Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, nhất là trên tuyến Quốc lộ (QL) 1A và trong TP. Nha Trang; phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố và ngành Giao thông vận tải có phương án phân luồng, phân tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Toàn tỉnh đã huy động 5.450 lượt cán bộ chiến sĩ tiến hành 1.851 ca TTKS xử lý vi phạm khép kín địa bàn 24/24 giờ. Việc TTKS xử lý vi phạm TTATGT được thực hiện theo từng chuyên đề như: Chuyên đề xe khách vi phạm Luật GTĐB; ô tô không bảo đảm an toàn kỹ thuật; chạy quá tốc độ quy định; người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội MBH; uống rượu, bia điều khiển phương tiện; không có giấy phép lái xe (GPLX); chở quá số người quy định…

Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn phổ biến.
Qua hơn 2 tháng triển khai, toàn tỉnh đã lập biên bản 9.897 trường hợp vi phạm TTATGT; xử phạt vi phạm hành chính 8.783 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước số tiền hơn 4 tỷ đồng, tạm giữ 3.053 phương tiện các loại, tước GPLX 286 trường hợp. Lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ (1.586 trường hợp), không đội MBH (1.623 trường hợp), không có GPLX (1.033 trường hợp), tránh vượt sai quy định (1.586 trường hợp)…

Riêng trên tuyến QL 1A, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 2.947 trường hợp; trong đó chủ yếu là ô tô tải và ô tô khách. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 3.019 trường hợp với số tiền hơn 1,984 tỷ đồng, tạm giữ 36 phương tiện, tước GPLX 175 trường hợp. Lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, lắp bánh lốp, thiết bị an toàn không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…

Tuy lực lượng CSGT đã có nhiều nỗ lực trong việc TTKS, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lập lại TTATGT nhưng tình hình vi phạm TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ và số người chết do TNGT có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh, qua đợt cao điểm TTKS, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ TNGT, làm 42 người chết, 46 người bị thương; trong đó TNGT nghiêm trọng xảy ra 32 vụ, làm 32 người chết, TNGT rất nghiêm trọng 2 vụ, 4 người chết, TNGT đặc biệt nghiêm trọng 1 vụ, 6 người chết. Hầu hết các vụ TNGT đều xảy ra trên tuyến QL và tỉnh lộ, phương tiện gây ra các vụ TNGT chủ yếu là xe mô tô và ô tô tải. Nguyên nhân gây ra các vụ TNGT chủ yếu do vi phạm phần đường, làn đường, rượu bia quá nồng độ cồn… Địa bàn xảy ra tai nạn nhiều nhất là thị xã Ninh Hòa (11 vụ, 12 người chết, 16 người bị thương), huyện Vạn Ninh (7 vụ, 12 người chết). So với cùng kỳ năm 2010, số vụ TNGT tăng 7, tăng 9 người chết và tăng 11 người bị thương. Tuy nhiên so với cùng thời gian trước khi thực hiện đợt cao điểm giảm 2 vụ, 8 người chết và 1 người bị thương. Theo Trung tá Phan Văn Cường - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, tình hình vi phạm TTATGT, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bên cạnh đó còn do phương tiện giao thông tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của phương tiện.

Trung tá Phan Văn Cường cho biết: “Để góp phần giảm thiểu vững chắc TNGT, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội; trong đó trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mỗi người dân trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT. Đồng thời tăng cường công tác TTKS, kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết hơn các trường hợp vi phạm TTATGT; trong đó, tập trung tổng kiểm soát xử lý ô tô chở khách và xe mô tô vi phạm TTATGT, các hành vi vi phạm về tốc độ, phần đường, tránh vượt, chở quá số người quy định, không đội MBH khi điều khiển phương tiện…”.

CẨM VÂN