01:07, 11/07/2011

Phát hiện sớm, tích cực phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm và các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển.

Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm và các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Hậu quả của SDD là trẻ kém phát triển về thể chất, tinh thần và làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Khi trẻ bị bệnh, tình trạng SDD dễ xảy ra hơn. Qua đó làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em.

° Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng

SDD xảy ra khi có sự mất cân đối giữa cung cấp so với nhu cầu về các chất dinh dưỡng (DD) ở trẻ. SDD trẻ em thường bao gồm nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp. Nguyên nhân gián tiếp là do điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa; các gia đình, cá nhân thiếu kiến thức về DD và chăm sóc y tế, một số nơi còn những tập quán lạc hậu về DD và chăm sóc trẻ. Nguyên nhân trực tiếp, đó là do vấn đề DD cho trẻ không hợp lý, thức ăn không phù hợp với lứa tuổi và không đảm bảo về số lượng, chất lượng; trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng, trẻ bị dị tật bẩm sinh; trẻ mất mẹ hoặc không được mẹ nuôi dưỡng…

Theo điều tra của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung ương, nguyên nhân gây SDD của trẻ em Việt Nam là: Thiếu kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ và người nuôi trẻ; chế độ ăn của trẻ không đủ về số lượng và chất lượng; chế độ chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng và chữa bệnh chưa tốt.

° Làm thế nào để phát hiện trẻ suy dinh dưỡng

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng trẻ bị SDD chỉ biểu hiện bằng sự sụt cân hoặc không tăng cân. Về sau, trẻ mới bắt đầu có các biểu hiện khác như: da xanh xao, cơ nhão, teo cơ, kém linh hoạt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dần chuyển sang thể nặng.

SSD có 3 thể lâm sàng nặng. Cụ thể, SDD thể teo đét như: Cân nặng của trẻ giảm chỉ còn dưới 60% so với cân nặng chuẩn vào độ tuổi trẻ; trẻ gầy chỉ còn da bọc xương, teo cơ rõ rệt; mất toàn bộ lớp mỡ dưới da ở bụng, mông, tay, chân và má, trẻ có vẻ mặt “cụ non”, tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh; tóc đổi màu, khô, dễ rụng.

SDD thể phù xảy ra ở những trẻ ăn quá nhiều chất bột, no giả tạo, chất lượng thức ăn mất cân bằng giữa glucid và protein, thừa glucid nhưng lại thiếu protein. Ở thể phù, trẻ có cân nặng chỉ khoảng 60% đến dưới 80% cân nặng chuẩn; trẻ bị phù từ chân tay đến mặt; da xanh xao, nhợt nhạt, thường có viêm loét dạ dày và các mảng sắc tố ở bẹn, mông; trẻ kém ăn, đi ngoài phân sống.

SDD thể phối hợp là biểu hiện lâm sàng phối hợp cả 2 thể trên; cân nặng trẻ dưới 60% cân nặng chuẩn; trẻ phù lại kết hợp gầy đét; kém ăn và hay bị rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, với những trường hợp SDD nặng, thường đi kèm với các triệu chứng thiếu máu, thiếu vitamin A, PP, C… Vấn đề quan trọng là phải phát hiện trẻ bị SDD ngay từ giai đoạn đầu. Nếu phát hiện sớm thì việc phục hồi DD rất dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Để phát hiện sớm tình trạng SDD ở trẻ, các bậc phụ huynh cần theo dõi cân nặng trẻ hàng tháng. Nếu trẻ sụt cân hoặc 2 tháng liên tiếp không tăng cân là trẻ có nguy cơ bị SDD, cần theo dõi sự phát triển của trẻ theo biểu đồ tăng trưởng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa trẻ đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

° Xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng

Ăn là phương pháp chủ yếu để phục hồi DD cho trẻ. Cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày và tăng dần từ ít đến nhiều kể cả về số lượng và chất lượng. Thức ăn của trẻ phải đầy đủ 4 nhóm: Tinh bột; chất đạm; dầu mỡ; nhóm vitamin và muối khoáng. Những ngày đầu cho trẻ ăn 2 giờ/lần kể cả ban đêm, sau đó cho ăn 3 - 4giờ/lần trong những ngày sau. Lượng thức ăn tăng dần cho đến cuối tuần lễ thứ hai. Ngay trong tuần lễ đầu, để cung cấp thêm nhiều năng lượng cho trẻ nên dùng các loại sữa có thành phần năng lượng cao. Từ tuần thứ hai trở đi có thể cho vào bữa ăn của trẻ những thức ăn phù hợp theo lứa tuổi để thay thế dần thức ăn bằng sữa rồi chuyển dần sang chế độ ăn bình thường. Đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi (còn bú mẹ) cần tăng cường bú mẹ.

Mỗi gia đình cần hiểu nguyên nhân, phát hiện sớm tình trạng SDD của trẻ để có kế hoạch phục hồi DD phù hợp cho trẻ. Việc thực hiện tốt những nội dung trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình hiện tại và cả tương lai.

Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)