01:07, 04/07/2011

Đổi thay ở xã đảo Cam Bình

Về xã Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ khang trang, trù phú của một xã đảo vốn dựa vào nghề biển là chính.

Về xã Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ khang trang, trù phú của một xã đảo vốn dựa vào nghề biển là chính. Đưa tay chỉ về những bè tôm, lồng tôm, ông Phan Minh Trí - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi: “Nhờ con tôm hùm, bà con Cam Bình không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ còn trở nên khá giả”.

Làm giàu từ nghề nuôi tôm hùm

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 3 lầu khang trang vừa mới xây xong, ông Võ Thành Quang - người nuôi tôm hùm đã hơn chục năm nay cho biết: “Phần lớn người dân ở xã đảo đều nuôi tôm hùm, người ít thì 2 - 3 lồng, người nhiều có đến hàng trăm lồng. Tuy có rủi ro nhưng nuôi tôm hùm bao giờ cũng có lãi”. Gia đình ông Quang có hơn 40 lồng với hơn 5.000 con tôm, là một trong những hộ nuôi tôm hùm có quy mô khá lớn ở xã đảo này. Ông Quang cho biết, trừ các khoản chi phí về giống và thức ăn, hàng năm, ông lãi ròng khoảng 500 - 600 triệu đồng. Ông đang chuẩn bị xuất bán một lứa tôm hùm xanh hơn 400 con, ước tính khoảng 600 triệu đồng với giá thương lái mua tại lồng là 1,6 triệu đồng/kg.

Nuôi tôm hùm không chỉ giúp người dân Cam Bình thoát nghèo mà còn trở nên khá giả.

Xã Cam Bình hiện có hơn 272ha diện tích mặt nước với gần 4.200 lồng và 93 bè nuôi tôm hùm. Toàn xã có 1.129 hộ dân thì có đến 935 hộ làm nghề nuôi tôm hùm. Tổng sản lượng tôm hùm xuất bán hàng năm của toàn xã đạt khoảng 1.500 tấn. Sau dịch bệnh sữa ở tôm hùm xảy ra năm 2007 làm tôm chết hàng loạt, những năm gần đây, người dân xã đảo nuôi tôm đều có lãi. Nghề nuôi tôm hùm đã trở thành nguồn kinh tế chính, giúp người dân thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ dân trở nên khá giả chỉ sau vài ba vụ tôm. Trước đây, gia đình ông Lê Văn Phé (thôn Bình Ba Đông) vốn làm nghề đi biển, cái nghề cha truyền con nối. Đầu năm 2000, cả xã rộ lên phong trào nuôi tôm hùm xóa đói giảm nghèo, gia đình ông cũng vay vốn nuôi tôm nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Do không có kinh nghiệm lại gặp đúng năm xảy ra dịch bệnh nên gia đình ông thua lỗ, nợ ngân hàng lên đến 150 triệu đồng. Những năm sau, nhờ áp dụng kiến thức, kỹ thuật nuôi tôm mà cán bộ khuyến nông - khuyến ngư tỉnh chuyển giao, gia đình ông nuôi tôm năm nào cũng có lãi. Tuy chỉ nuôi ở quy mô nhỏ với 21 lồng tôm và 2.300 con giống, nhưng năm 2010, ông Phé cũng lãi hơn 200 triệu đồng. Nhờ nguồn thu đó mà căn nhà mái bằng của gia đình ông được sửa sang lại, trong nhà có thêm chiếc tủ lạnh, máy giặt, ti vi…

Đảm bảo an sinh xã hội

Từ một thôn Bình Ba, đến nay, xã Cam Bình đã có 4 thôn: Bình Ba Đông, Bình Ba Tây, Bình An và Bình Hưng. Toàn xã có 1.129 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu. Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm gần đây, đời sống của bà con xã đảo đã có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo của toàn xã chỉ còn 102 hộ, trong đó có 45 hộ đang nằm trong diện thoát nghèo. Xã phấn đấu đến cuối năm nay, hộ nghèo chỉ còn khoảng 40 hộ”.

Thoát nghèo, dư cái ăn cái mặc, người dân xã đảo quan tâm nhiều hơn đến việc học hành, vấn đề phát triển toàn diện của con cái. Hiện nay, xã Cam Bình có 206 học sinh mẫu giáo, 430 em học sinh tiểu học, 274 học sinh trung học cơ sở. Phần lớn các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, tỷ lệ học sinh bỏ học rất thấp. Xã còn có nhiều em theo học tại các trường trung học phổ thông ở TP. Cam Ranh. Khi nghề nuôi tôm hùm đã trở thành nguồn kinh tế chính, các em không còn phải bỏ học để theo cha mẹ lênh đênh trên biển mưu sinh như trước. Đổi lại, các em được đến trường, được tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí. Ngoài ra, xã còn tổ chức các đợt sinh hoạt Hè, sinh hoạt Đoàn, Đội cho các em thiếu niên, nhi đồng; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) ông bà cháu, CLB dưỡng sinh, CLB không sinh con thứ 3… cho người dân. Sắp tới, UBND xã sẽ xây dựng một khu văn hóa cộng đồng tại Nhà văn hóa xã để người dân có thể đến để vui chơi, sinh hoạt với nhau.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng trong thôn, xã đã được cải thiện rất nhiều. 100% đường liên thôn được bê tông hóa, xã đã xây dựng 2 nhà làm việc cho thôn Bình An và Bình Hưng. UBND xã còn xây dựng một khu chợ khá khang trang và thuận tiện để người dân có thể tập trung mua bán…

Cuộc sống của người dân xã đảo Cam Bình đã “thay da đổi thịt”, không còn phải lo miếng cơm, manh áo hàng ngày như trước. Nghề nuôi tôm hùm không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho từng hộ dân mà còn tạo điều kiện cho vấn đề an sinh xã hội phát triển tốt hơn, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm hơn.

HOÀNG DUNG