02:07, 26/07/2011

Vì tương lai khỏe mạnh của thế hệ trẻ

Cùng với Đề án tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chính là hoạt động chăm lo chất lượng dân số đầu đời.

Cùng với Đề án tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chính là hoạt động chăm lo chất lượng dân số đầu đời. Tham gia hoạt động của Đề án, các bà mẹ sẽ sinh ra những em bé khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ, giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh tật, tử vong ở trẻ sơ sinh.

Theo định hướng Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) giai đoạn 2011 - 2020, thời gian tới, công tác DS sẽ có sự chuyển đổi căn bản từ mục tiêu ưu tiên giảm sinh sang nâng cao chất lượng DS, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng, khỏe mạnh phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, SLTS và SLSS chính là hoạt động chăm lo chất lượng DS đầu đời, để các bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ, giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh tật, tử vong trẻ sơ sinh.

Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5 - 2,0% số trẻ em được sinh ra hàng năm và đang có xu hướng tăng lên. Theo tỷ lệ ước tính này, hàng năm trên toàn quốc có khoảng 22 - 30 nghìn trẻ em sinh ra bị dị tật. Kết quả tổng điều tra DS và nhà ở ngày 1-4-2009, cả nước tỷ lệ khuyết tật chiếm 7,8% DS. Khánh Hòa có tỷ lệ khuyết tật 9,7%, trong đó tỷ lệ loại đặc biệt nặng là 0,64%. Nguyên nhân chủ yếu của dị tật bẩm sinh do rối loạn chuyển hóa, di truyền và hậu quả của tai nạn thương tích; phần lớn dị tật bẩm sinh xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Vì một thế hệ trẻ khỏe mạnh, các bà mẹ mang thai, sản phụ hãy tham gia khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh
Đề án SLTS và SLSS bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2007 trên địa bàn 20 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh được lựa chọn làm Trung tâm sàng lọc khu vực phía Bắc và phía Nam. Đến năm 2010, Đề án được mở rộng ra 31 tỉnh, thành và Trường Đại học Y dược Huế được chọn làm Trung tâm sàng lọc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sau 3 năm triển khai Đề án, nhiều trẻ em bị dị tật bẩm sinh được phát hiện sớm và can thiệp, điều trị kịp thời. Năm 2011, Đề án tiếp tục mở rộng ra 51 tỉnh, thành trong cả nước. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên triển khai tại 13 tỉnh, thành, trong đó có Khánh Hòa.

Bà Hồ Thị Thi - Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, cho biết: Đề án nâng cao chất lượng DS thông qua SLTS và SLSS năm 2011 đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí 220 triệu đồng. Bắt đầu từ tháng 7, Chi cục sẽ phối hợp với Trường Đại học Y dược Huế, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh và các bệnh viện triển khai thực hiện tại tuyến tỉnh và 30 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị, thành phố: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Sơn. Theo chỉ tiêu Trung ương giao, SLTS 168 ca (chiếm 4% số phụ nữ mang thai trong năm tại các địa bàn triển khai Đề án, chiếm 1% số phụ nữ mang thai trong năm toàn tỉnh); SLSS 721 ca (chiếm 16,4% số trẻ sinh trong năm tại các địa bàn triển khai đề án, chiếm 4,3% số trẻ sinh trong năm toàn tỉnh). 

Thực hiện đề án, đối với hoạt động tư vấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SLTS và SLSS: Chi cục sẽ tổ chức 1 lớp tập huấn và nói chuyện chuyên đề tại tuyến tỉnh và 5 lớp tại tuyến huyện cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức nói chuyện chuyên đề về lợi ích SLTS và SLSS cho các cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mỗi xã/phường ít nhất 3 tháng/lần. Bên cạnh đó, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình và cơ sở y tế cho phụ nữ mang thai, sản phụ SLTS và SLSS; cung cấp các tài liệu truyền thông cho người dân… nhằm đảm bảo 100% cán bộ y tế tham gia Đề án có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về SLTS, SLSS; 100% bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về SLTS, SLSS và 90% đối tượng liên quan tiếp cận thông tin về SLTS, SLSS.

Đối với việc xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới SLTS, SLSS: Chi cục sẽ phối hợp với Trung tâm SLTS và SLSS - Trường Đại học Y dược Huế tuyển chọn, đào tạo cán bộ chuyên môn về kỹ thuật lấy máu gót chân và siêu âm. Dự kiến sẽ có 7 cán bộ được cử tham gia lớp đào tạo này. Số cán bộ này sẽ là giảng viên nòng cốt để tập huấn cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã tham gia đề án. Ngoài ra, các trang thiết bị kỹ thuật, máy siêu âm, một số thiết bị y tế cần thiết cho SLTS và SLSS cũng sẽ được bổ sung phục vụ cho công tác này. Về SLTS: các cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện siêu âm, phát hiện các bào thai có nguy cơ, tư vấn và chuyển bà mẹ lên tuyến tỉnh (Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để tiếp tục thực hiện các kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán chính xác, giúp bà mẹ lựa chọn quyết định phù hợp. Về SLSS: cán bộ y tế lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh ở các tuyến, quản lý và gửi mẫu máu về Trung tâm SLTS và SLSS - Trường Đại học Y dược Huế để sàng lọc. Sau khi có kết quả gửi về, Chi cục DS-KHHGĐ và các cộng tác viên sẽ hướng dẫn các phương pháp theo dõi và điều trị cho sản phụ.

Hiện tại, SLTS tập trung phát hiện hội chứng Down và dị tật ống thần kinh. Nếu được phát hiện can thiệp sớm từ giai đoạn mang thai sẽ giúp trẻ phát triển bình thường. Kỹ thuật siêu âm giúp nhận biết sớm khuyết tật về hình thể thai nhi và giúp người mẹ chọn lựa quyết định đình chỉ thai nghén những trường hợp không thể sống hoặc nuôi được sau khi sinh. SLSS giúp phát hiện và điều trị kịp thời một số bệnh tật bẩm sinh như: Thiếu men G6PD (gây vàng da, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy giáp bẩm sinh (gây chậm phát triển trí tuệ).

Với ý nghĩa của Đề án SLTS và SLSS, chắc chắn sẽ có nhiều bà mẹ mang thai và sản phụ quan tâm tham gia SLTS, SLSS. Có như vậy, số lượng trẻ sơ sinh bị dị tật, dị dạng mới giảm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống nòi.

MINH THIẾT