Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần cho gia hạn không xử phạt lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc không có giấy phép lái xe hạng FC, để doanh nghiệp và lái xe có đủ thời gian cũng như điều kiện hoàn thành việc chuyển đổi.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhiều lần cho gia hạn không xử phạt lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc không có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC, để doanh nghiệp (DN) và lái xe có đủ thời gian cũng như điều kiện hoàn thành việc chuyển đổi. Tuy nhiên, đến ngày 1-7, việc xử phạt vi phạm chính thức có hiệu lực. Tại Khánh Hòa, đến thời điểm này, số lượng lái xe được đào tạo, sát hạch và cấp GPLX hạng FC tăng đáng kể với tỷ lệ 1,75 tài xế/xe.
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT, đến nay, Bộ GTVT đã 3 lần gia hạn quy định tài xế lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc phải có bằng FC thay vì chỉ bằng C như trước đây. Lần đầu gia hạn đúng 1 năm, tức từ ngày 1-7-2009 dời đến 1-7-2010. Tuy nhiên, nhận thấy có quá nhiều tài xế chưa có bằng FC nên Bộ GTVT tiếp tục gia hạn đến ngày 31-12-2010. Tuy được nhắc nhở, động viên và gửi công văn đến các DN để tạo mọi điều kiện cho lái xe thi lấy GPLX hạng FC, nhưng đến thời điểm thực hiện, các DN vẫn kêu ca rằng ảnh hưởng đến DN. Một lần nữa, Bộ GTVT lại “nhân nhượng” gia hạn tiếp đến ngày 1-7-2011. Thế nhưng, ở một số địa phương, nhiều DN vẫn cho rằng, việc xử phạt các tài xế lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc chưa có GPLX hạng FC đã làm ảnh hưởng đến DN.
Riêng tại Khánh Hòa, ngay khi nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT đã tổ chức tuyên truyền, gửi văn bản nhắc nhở các DN và chỉ đạo các đơn vị đủ điều kiện đào tạo, sát hạch (Trường Lái xe Hồng Bàng và Trung tâm Kỹ thuật miền Trung, cấp GPLX hạng FC tạo mọi điều kiện thuận lợi để lái xe được học và lấy bằng FC. Đến nay, Sở đã tổ chức sát hạch, cấp GPLX hạng FC cho 521 người, trong khi số xe đầu kéo sơ mi rơ moóc hiện đăng ký hoạt động ở Khánh Hòa là 279 chiếc. Như vậy, tỷ lệ người có bằng FC đạt 1,75 lái xe/xe đầu kéo. So với toàn quốc, tỷ lệ GPLX hạng FC trên số đầu phương tiện tại Khánh Hòa đến thời điểm này là khá cao. Ông Dần cho biết: “Đạt được kết quả trên là nhờ hầu hết các công văn của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tạo mọi điều kiện, rút ngắn thời gian học và lấy bằng cho tài xế hạng FC đều được Sở GTVT áp dụng ngay. Sở đã liên tục gửi văn bản cho các DN kinh doanh vận tải và những cá nhân có xe đầu kéo sơ mi rơ moóc đề nghị họ có nhu cầu liên hệ Sở để được giải quyết chuyển đổi. Ngoài ra, Sở còn cử một cán bộ phụ trách giải quyết việc chuyển đổi GPLX hạng FC cho các lái xe. Không chỉ gửi văn bản, cán bộ phụ trách còn phải gọi điện trực tiếp đến từng DN”.
Hầu hết các lái xe đầu kéo rơ moóc tại Khánh Hòa đều đã có giấy phép lái xe hạng FC. (ảnh minh họa) |
Theo ông Dần, vướng mắc của việc cấp GPLX hạng FC chủ yếu nằm ở việc xét duyệt các đối tượng không phải học mà thi chứ không phải do năng lực đào tạo của các trường lái. Do hầu hết các DN kinh doanh vận tải có xe đầu kéo sơ mi rơ moóc đều của tư nhân, đôi khi chỉ ký hợp đồng thời vụ với người lao động nên việc xác định thâm niên lái xe hay số kilômét hơi khó. Trong khi đó, những người có GPLX hạng C, D, E có đủ thâm niên và số kilômét lái xe an toàn theo quy định (3 năm và 50.000km lái xe an toàn), có thời gian liên tục điều khiển ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc đủ 2 năm trở lên. Vì vậy, Sở đã linh hoạt giải quyết bằng cách: DN phải có hợp đồng lao động chứng minh lái xe đó đã có đủ kinh nghiệm thực tế theo yêu cầu và quy trách nhiệm này cho DN. DN quản lý người lao động xác nhận thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Việc Bộ GTVT đã nhiều lần cho gia hạn thời gian xử phạt lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc chưa có GPLX hạng FC là một tiền lệ không tốt. Bởi khi luật có hiệu lực đã đủ thời gian để cho các DN, công dân, các địa phương chuẩn bị; nhưng thực tế, DN và người lái xe chưa chú trọng việc này mà luôn đòi gia hạn. Các DN cần phải biết được hậu quả nặng nề sau đó - chính là tính mạng của lái xe và những người xung quanh. Vì không có GPLX hợp lệ theo quy định, lái xe phán đoán, xử lý kém không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến gây tai nạn” - ông Dần nói.
Có thể nói, đến thời điểm xử phạt (ngày 1-7) người điều khiển xe sơ mi rơ moóc và xe đầu kéo rơ-moóc không có GPLX hạng FC, số lượng lái xe được đào tạo, sát hạch và cấp GPLX tăng đáng kể. Từ đó cho thấy, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng đủ lái xe và số ô tô đầu kéo hiện có. Hy vọng, với việc chuyển đổi, nâng hạng GPLX hợp chuẩn, thời gian tới sẽ giảm được các vụ TNGT do xe đầu kéo sơ mi rơ moóc gây ra.
C.V