Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 6 vừa qua là thảo luận và thông qua 2 chương trình kinh tế xã hội trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa gồm: Chương trình Xây dựng nông thôn mới...
Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa lần thứ 6 vừa qua là thảo luận và thông qua 2 chương trình kinh tế xã hội (KT-XH) trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa gồm: Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2030 và Chương trình Phát triển hệ thống đô thị giai đoạn 2011-2015. Dự kiến kinh phí để thực hiện 2 chương trình trên là hơn 56.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là xây dựng NTM Khánh Hòa đạt chuẩn quốc gia, có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ NTM; đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao, thu ngắn khoảng cách mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn; tạo nền tảng chính trị, KT-XH vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ kết quả khảo sát hiện trạng và đánh giá kết quả khảo sát theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn 94 xã, tỉnh sẽ chọn 58 xã đạt mức trung bình khá (đạt từ 5 tiêu chí trở lên) để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Đối với 36 xã còn lại sẽ tiếp tục phấn đấu nâng dần số lượng tiêu chí đạt được và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2020. Giai đoạn từ 2020 đến 2030: sẽ tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được theo mức chuẩn cao hơn ở các xã đã đạt chuẩn, đặc biệt ưu tiên đầu tư nâng cao các tiêu chí cho các xã thuộc huyện đảo Trường Sa. Kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 8.802,1 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước 3.974,2 tỷ đồng; vốn tín dụng 1.865,7 tỷ đồng; doanh nghiệp, hợp tác xã 1.634,8 tỷ đồng; cộng đồng, dân cư 1.343,4 tỷ đồng.
Đối với Chương trình Phát triển hệ thống đô thị, mục tiêu của chương trình là tập trung hoàn thiện các điểm yếu của các đô thị được nâng cấp trong giai đoạn 2007-2010; tỉ lệ đô thị hóa tăng từ 48,77% năm 2010 lên 60% năm 2015; lập đề án nâng cấp quản lý cho các đô thị vừa được công nhận là đô thị loại IV và các khu vực xã vừa được công nhận đạt các tiêu chuẩn là đô thị loại V trên địa bàn các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa. Bên cạnh đó, tiến hành lập các đề án nâng cấp đô thị để đạt tiêu chuẩn là đô thị loại V cho các xã Ninh Thọ (Ninh Hòa), Diên Phước, Diên Lạc (Diên Khánh); tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu cho huyện đảo Trường Sa theo định hướng phát triển kinh tế biển gắn liền với an ninh quốc phòng biển đảo.
Để thực hiện chương trình, Tỉnh ủy đề ra một số giải pháp như: Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách, quy hoạch, nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, phát triển nhà ở và khu dân cư đô thị, về bồi thường, giải tỏa và tái định cư, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Song song đó, định hướng, tăng cường xây dựng các tuyến giao thông công cộng, nâng cao tỉ lệ đất dành cho giao thông động và giao thông tĩnh để tránh ùn tắc xe trong tương lai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của chính sách, pháp luật; các địa phương sớm ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo phân cấp.
Dự kiến, kinh phí thực hiện chương trình là 47.273,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 17.788 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.992,1 tỷ đồng, doanh nghiệp và vốn khác 27.493 tỷ đồng.
KHÁNH QUỲNH