09:07, 08/07/2011

Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân các xã miền núi

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật ở các huyện miền núi.

 

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, việc tuyên truyền đó chủ yếu chỉ dừng lại ở cấp huyện, còn các thôn, bản của các xã miền núi hầu như vẫn chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mực.

 

Qua nhiều lần đi thực tế tại 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, chúng tôi nhận thấy kiến thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện này khá thấp. Hơn nữa, do địa hình chia cắt nên khó xây dựng hệ thống loa truyền thanh công cộng về các thôn, bản; mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, nhiều phong tục, tập quán không phù hợp với pháp luật và cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đa phần người dân nơi đây còn khá mơ hồ về các quy định của pháp luật hiện hành. Trong hành xử hàng ngày, mọi người chủ yếu dựa trên yếu tố tình cảm, ít chú ý đến pháp luật. Ở nhiều thôn, bản, khi người dân có xích mích với nhau, chính quyền địa phương cũng gặp khá nhiều khó khăn trong xử lý, bởi người dân không hiểu pháp luật. Ngoài ra, ở các xã miền núi hầu như chưa có tủ sách pháp luật. Nếu xã nào có thì cũng chỉ vài đầu sách và chưa thực sự phát huy tính hiệu quả của nó. Chính vì thế, kiến thức về pháp luật của người dân miền núi hiện nay khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Từ thực trạng đã nêu, chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh công tác TTPBGDPL đến tận thôn, bản của các xã miền núi.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, trước hết các cấp ủy Đảng và chính quyền các xã miền núi cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác TTPBGDPL ở thôn, bản. Từ đó tìm kiếm các phương pháp, hình thức tuyên truyền thích hợp nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Chủ động, tích cực, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức hoạt động TTPBGDPL và đầu tư thích đáng cho công tác này. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm để tìm ra những hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Các địa phương cần phát huy hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp truyền đạt những nội dung cần tuyên truyền đến người nghe; nếu tổ chức thường xuyên, hiệu quả đem lại sẽ rất cao. Để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả, nên tập trung vào các nội dung cơ bản, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, tránh việc đọc văn bản dài dòng. Hình thức tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao nếu chúng ta biết lồng ghép nội dung các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân và của địa phương (Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Hôn nhân và gia đình…) vào các quy ước, hương ước mới, vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Muốn công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật ở các thôn, bản thực sự đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc tìm ra những hình thức tuyên truyền phù hợp, nhất thiết phải xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp xã có năng lực chuyên môn, kiến thức pháp lý, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, đảm bảo nắm rõ các nội dung cơ bản của pháp luật và có khả năng truyền đạt, phổ biến các nội dung đó cho đồng bào. Đồng thời, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong hoạt động TTPBGDPL ở cơ sở. Bên cạnh đó, chúng ta cần phát huy những giá trị tích cực của những phong tục, tập quán liên quan đến việc bảo vệ đất đai, tài nguyên, trật tự an toàn xã hội, lối sống. Đồng thời, loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần lựa chọn và kết hợp nhiều hình thức TTPBGDPL thích hợp. Khuyến khích các tầng lớp nhân dân ở các thôn, bản, nhất là đối với Đoàn Thanh niên, thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu và tư vấn pháp luật; khai thác, sử dụng các tủ sách trên cơ sở sự trợ giúp của các cán bộ tư pháp và nhân viên điểm bưu điện - văn hóa xã. Thực hiện phối hợp các buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật với các buổi họp thôn, bản để lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền.

Việc tăng cường TTPBGDPL đến tận thôn, bản ở các các xã miền núi là việc làm thiết thực. Nếu chúng ta làm tốt điều này sẽ giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật; đồng thời sớm đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân.

LAM THANH