06:07, 05/07/2011

Bán mặt cho… rác

Nằm cách trung tâm TP. Nha Trang hơn 10km về phía Bắc, bãi rác Rù Rì được xem là “nguồn sống” của hàng trăm người nghèo.

Nằm cách trung tâm TP. Nha Trang hơn 10km về phía Bắc, bãi rác Rù Rì được xem là “nguồn sống” của hàng trăm người nghèo. Ngày ngày, những người nhặt rác bất chấp môi trường độc hại, cần mẫn bới rác để kiếm sống, nhiều người còn ăn và ngủ ngay trên bãi rác. Quanh năm “bán mặt cho rác” nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng, trong khi nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh tật từ rác thải là không thể tránh khỏi!

. “Nguồn sống” của người nghèo

Một ngày đầu tháng 7, tôi có mặt tại bãi rác đèo Rù Rì. Dưới cái nắng ban trưa, những chiếc xe tải chở rác, xe hút hầm cầu nối đuôi nhau tiến vào bãi rác. Bất chấp khói bụi, ruồi nhặng và mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ “đại công trường” rác thải, hàng trăm người, già trẻ, lớn bé vẫn cặm cụi đào bới và nhặt nhạnh từng miếng giấy vụn, bao ni-lông… Mọi người nhặt bất cứ thứ gì có thể bán được. Bà Nguyễn Thị Minh Hà (41 tuổi, quê Quảng Ngãi) kể về cái “duyên” của mình với bãi rác Rù Rì: “Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, ruộng vườn không có nên cả mấy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào nghề chẻ đá của bố. Khi mẹ mắc bệnh nặng, gia cảnh càng khó khăn hơn nên mấy anh em lần lượt phải bỏ học để đi làm thuê nuôi thân. Mấy anh chị cùng quê đưa tôi vào đây nhặt rác kiếm sống… Mới đó đã hơn 20 năm trôi qua”. Mời chúng tôi về nhà uống nước, ông Cao Văn Tý (52 tuổi, chồng bà Hà) tâm sự: “Cưới nhau đã hơn 15 năm, đứa con lớn đang học lớp 7, đứa nhỏ học mẫu giáo nhưng căn nhà của gia đình vẫn là cái chòi tạm để tránh mưa nắng. Mọi vật dụng trong nhà từ đôi đũa, chén bát đến cái ly nước này là “chiến lợi phẩm” nhặt được từ bãi rác. Ngay cả những viên thuốc tây như: Decolgen, Paraceitamol… còn dùng được, chúng tôi cũng nhặt về để dành khi ốm đau”.

Cần mẫn mưu sinh trên bãi rác Rù Rì.
Bãi rác Rù Rì mỗi ngày “tiếp nhận” gần 200 người nhặt rác cả ngày lẫn đêm. Dụng cụ của người nhặt rác là một chiếc cào và cái bao tải lớn, riêng những người làm đêm có thêm chiếc đèn rọi (đèn tự chế đeo trên đầu, chạy bằng bình ắc-quy) và một cà-mèn cơm. Cật lực đào bới, nhặt nhạnh, bình quân mỗi người nhặt rác kiếm được khoảng 70.000 - 80.000 đồng/ngày. Hàng trăm người nghèo sống bằng nghề nhặt rác tại đây đang lo lắng, bởi bãi rác Rù Rì sắp giải thể để chuyển sang bãi rác mới được xây dựng ở thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang). Cụ Nguyễn Thị Dễ (70 tuổi, quê ở Phú Yên) nói trong tâm trạng lo lắng: “Chúng tôi nghe tin bãi rác Rù Rì sắp đóng cửa. Gần một trăm hộ dân ở xóm liều Rù Rì sống nhờ vào bãi rác này, đói no cũng nhờ rác. Bây giờ chuyển qua bãi rác mới không biết họ có cho vào nhặt rác không? Nhặt rác quen rồi, bỏ nghề thì biết lấy gì mà sống”.

. Xóm rác “hai không”

Dọc hai bên đường, từ Nghĩa trang phía Bắc lên đến bãi rác Rù Rì là nơi “trú ngụ” của gần 100 hộ gia đình sống bằng nghề nhặt rác. Hàng chục căn nhà tạm được dựng liêu xiêu bằng ván gỗ, phên nứa và những tấm tôn cũ được đem về từ bãi rác. Nhiều người gọi xóm này là xóm “hai không” vì ở đây điện, nước đều không có.

Khi màn đêm buông xuống, xóm này hiện lên những đốm sáng nhỏ nhoi giữa không gian tĩnh lặng. Không có điện, cuộc sống ban đêm của những người bám bãi rác mưu sinh chỉ biết dựa vào ánh sáng yếu ớt từ những cây đèn dầu leo lét. Bà Nguyễn Thị Lài (42 tuổi, quê Vạn Ninh) chia sẻ: “Sống trong cái khổ lâu cũng thành quen, nhưng không có nước là điều chúng tôi lo lắng nhất. Mỗi can nước 20 lít được mua từ phố lên với giá 5.000 đồng nên phải tiết kiệm đến từng giọt. Số nước quý này chỉ để dùng nấu ăn, còn chuyện giặt giũ thì phải lên tận nghĩa trang phía Bắc mới xin được nước”.

Vợ chồng chị Hà, anh Tý trong căn nhà tạm.
Sự nghèo khó khiến cuộc sống của những phận người mưu sinh bằng nghề nhặt rác không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn “đói kém” về tinh thần. Ông Phan Văn Hùng (37 tuổi, quê Bình Định) cho biết: “Ở đây thiếu thốn đủ bề. Nhiều khi nhặt được tờ báo cũ, chúng tôi tụ tập lại để cùng đọc cho nhau nghe”. Cũng như bao người sống tại xóm liều, ông Hùng đang mơ ước có điện để được nghe đài, xem ti vi. Đáng thương nhất là trẻ em ngày ngày “phơi mình” trên bãi rác để “nuôi” tương lai. Những cuốn truyện tranh nhàu nát, vài tờ giấy màu có hình vẽ rách bươm được nhặt từ bãi rác là món quà mà trẻ ở đây yêu thích. Tối về, bên ngọn đèn dầu leo lét, tiếng ê a đọc bài của trẻ lại vang lên trong những căn nhà tạm. Chính vì điều kiện học hành quá khó khăn nên số trẻ được đến trường ở xóm “hai không” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mới 4, 5 tuổi nhưng những đứa trẻ ở đây đã theo “nghiệp” bố mẹ nhặt rác.

Vì sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại tại bãi rác Rù Rì suốt thời gian dài nên đa số hộ dân ở đây đều mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, viêm xoang… Thế nhưng, họ vẫn phải “bám”… rác vì mưu sinh.

ANH KHOA