02:07, 13/07/2011

Ấn tượng với Parkour

Một lần tình cờ đi ngang qua Công viên Thanh Niên (đường Trần Phú, Nha Trang), tôi bắt gặp một nhóm thanh thiếu niên trong trang phục giống nhau đang thực hiện các động tác nhào lộn và vượt chướng ngại vật rất ấn tượng, thu hút đông người đến xem.

Một lần tình cờ đi ngang qua Công viên Thanh Niên (đường Trần Phú, Nha Trang), tôi bắt gặp một nhóm thanh thiếu niên trong trang phục giống nhau đang thực hiện các động tác nhào lộn và vượt chướng ngại vật rất ấn tượng, thu hút đông người đến xem. Hỏi ra mới biết, đó là nhóm Alpha đang tập parkour. Đây là một khái niệm còn rất mới mẻ với nhiều người; gọi đó là một môn thể thao cũng được, nhưng chưa đủ. Giới tập luyện parkour gọi đó là “lối sống”.

Nhóm tập Parkour đầu tiên ở Nha Trang Dương Quốc Huy - trưởng nhóm Alpha cho biết, nhóm được thành lập vào tháng 10-2010, tiền thân là các thành viên nhóm Art Move. Hiện nay, nhóm có khoảng 20 người gồm cả thành viên và học viên, tuổi từ 15 đến 19. Quốc Huy kể, sau khi nhóm Art Move tan rã, Huy đã lên diễn đàn wownt.vn để tìm bạn tập chung. Họ chọn Công viên Thanh Niên - nơi có sẵn một số dụng cụ thể dục làm địa điểm tập luyện. Những động tác nhanh, mạnh mẽ và rất uyển chuyển của họ đã dần thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia. Nhóm tập thường xuyên vào những buổi chiều Thứ hai, tư, sáu trong tuần.

Các traceur đang tập một động tác parkour tại Công viên Thanh Niên (Nha Trang)
Quốc Huy cho biết, một trong những khái niệm căn bản nhất của parkour là flow (nghĩa là dòng chảy), ở đây được xem như sự di chuyển mượt mà, không cứng nhắc, di chuyển liên tục, không ngừng nghỉ như dòng chảy của nước. Kỹ năng flow và cách sử dụng các động tác của người tập quyết định họ có làm tốt hay chưa. Tương tự là các kỹ năng (skill), họ không phân biệt kỹ năng khó - dễ mà chỉ có địa hình khó, địa hình dễ.

Parkour thường bị hiểu nhầm thành hiphop, bởi cách ăn mặc thùng thình và các bước nhảy lạ mắt kiểu đường phố. Thực ra, cách ăn mặc của traceur/traceuse (nam/nữ tập parkour) đòi hỏi khá khắt khe để có thể bảo đảm các động tác được thực hiện thành công. Đó là quần phải rộng và có thể co giãn tốt. Giày cũng có những yêu cầu riêng, các traceur thường chuộng giày của hãng Kalenji, phải đặt từ nước ngoài vì trong nước không có. Giày có thể bẻ cong được 90o và đàn hồi tốt, rãnh đế giày phải rộng và sâu…

Nghệ thuật di chuyển thú vị

Trong các clip trên Youtube, các traceur có thể leo thoăn thoắt lên những bức tường cao, hay nhảy từ tòa nhà 2 tầng xuống đất một cách nhẹ nhàng. Quốc Huy cho biết, để có thể làm được như vậy, các traceur phải có một thần kinh “thép”. Luyện parkour đòi hỏi có sự tập trung cao độ và lòng kiên trì bền bỉ, vì chỉ cần dao động tâm lý một chút cũng có thể dẫn đến thực hiện động tác sai và bị chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, các traceur không dùng thiết bị bảo hộ. “Parkour trông có vẻ rất nguy hiểm, nhưng thực ra, parkour luôn đề cao sự an toàn lên trên hết. Tập parkour phải từ từ, từng bước một, chỉ khi nào có đủ thể lực mới học các động tác. Để có thể chạy, nhảy được như vậy, không phải ai cũng có thể làm được. Các traceur không gọi parkour là một môn thể thao mà đó là “lối sống”, trở thành bản năng tự vệ của con người” - Quốc Huy chia sẻ. Một thành viên khác của nhóm Alpha - Ngô Quốc Thông, học sinh Trường Trung học Phổ thông Lê Lợi (Diên Khánh) cũng thường xuyên đi xe buýt xuống Nha Trang tập luyện. Quốc Thông học võ cổ truyền đến đai vàng 2 gạch; đồng thời tập parkour. Thông cho rằng, võ thuật và parkour có thể bổ sung cho nhau rất tốt. Võ thuật cho bạn nền tảng thể lực, sức mạnh ý chí để tập parkour, còn parkour cho bạn những kỹ năng tận dụng địa hình, kỹ năng tiếp đất… để trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng vào trong đời sống.

Ấn tượng với parkour, tôi tìm hiểu thêm về nó thì càng phát hiện những điều rất thú vị. Parkour ra đời tại Pháp năm 1997 với 9 thành viên của nhóm Yamasaki, chủ yếu là anh em nhà Belle, trong đó có Châu Belle Đinh - một người Pháp gốc Việt. Bố của Belle từng tham chiến ở Đông Dương thời Pháp thuộc. Anh em Châu Belle Đinh đã được nghe và chứng kiến những cuộc hành quân “phi thường” của bộ đội Việt Nam, vì có thể tiếp cận hoặc trốn thoát trong những tình huống tưởng như không thể. Sau đó ở Pháp, họ phát triển nó thành parkour. Ngày nay, parkour đã không còn quá lạ lẫm với thanh niên trên thế giới.

Có thể nói, parkour đã được tiếp nhận một cách rất tự nhiên. Tuy vậy, các bạn trẻ cũng cần lưu ý đến vấn đề bảo hộ, vì dù sao, parkour cũng là một môn chứa đựng nhiều nguy cơ chấn thương.

HUY TOÀN