11:06, 23/06/2011

Vực dậy tiềm năng kinh tế khu vực Hố Mây

Hố Mây là vùng đồi núi bạt ngàn thuộc khu vực phía Bắc xã Cam Hiệp Bắc, tiếp giáp xã miền núi Sơn Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), có nhiều thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế vườn đồi, trang trại.

Hố Mây là vùng đồi núi bạt ngàn thuộc khu vực phía Bắc xã Cam Hiệp Bắc, tiếp giáp xã miền núi Sơn Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), có nhiều thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế (KT) vườn đồi, trang trại. Thời gian qua, do chưa được quan tâm đúng mức nên tiềm năng của vùng đất này chưa được phát huy. Đảng bộ xã Cam Hiệp Bắc đã xây dựng Nghị quyết phát triển khu Hố Mây và xác định bước đi thích hợp nhằm vực dậy tiềm năng lớn lao của vùng đất này.

Theo chân ông Nguyễn Thí (thôn Trung Hiệp 2, Cam Hiệp Bắc) - người có thâm niên hơn 30 năm sản xuất nông, lâm nghiệp ở Hố Mây, chúng tôi vượt qua nhiều km đường dốc, gập ghềnh sỏi đá mới đến được nơi sản xuất. Con đường đi vào khu Hố Mây tuy được đơn vị thi công thực hiện trong năm 2010 nhưng đến nay vẫn còn dang dở do vướng quá nhiều đá tảng, phải mất nhiều thời gian để nổ mìn, phá đá. Dọc con đường nhỏ, gập ghềnh, hai bên là nương rẫy của người dân với bạt ngàn cây lâm nghiệp, xoài, hoa màu và cả ruộng lúa nước. Khu vực này được người dân đưa nước về từ suối Tà Lua (cách đó hơn 3km) nên cây cối rất xanh tốt.

Con đường đi vào khu Hố Mây đang được đầu tư
Ông Thí lên đây làm rẫy từ những năm đầu sau ngày đất nước được giải phóng. Theo ông, đây là vùng đất ngày trước Nhà nước quy hoạch trồng cây thầu dầu nhưng không hiểu sao lại bị “lãng quên”. Trời thương người khó, ông Thí cùng gia đình vất vả gây dựng cơ nghiệp. Bao năm khai hoang, vỡ hóa, cộng với đất mua lên tới hơn 20ha, trong đó một nửa là đất khai phá đã cấp sổ, trên diện tích này, ông Thí trồng hơn 3.000 cây xoài cát Hòa Lộc, rẫy điều vài héc-ta. Xen giữa xoài, điều là các loại hoa màu phụ như: chuối, đu đủ, khoai mì, đậu xanh… Dưới vùng trũng, ông Thí trồng lúa, làm ao thả cá. Mỗi năm, ông thu về không dưới 150 triệu đồng. Ông Thí cho biết, tuy doanh thu cao nhưng chi phí khá lớn, riêng tiền đầu tư thuốc cỏ, thuốc trừ sâu mất hơn 10 triệu đồng/năm. Hiện nay, vùng này, bà con đã mua ống dẫn nước về để tưới cho cây cối, hoa màu. Nhiều hộ lên tận chợ Đức Trọng (Lâm Đồng) tìm mua máy phát điện loại nhỏ (0,5kW) về phát điện, thắp sáng dùng cho sinh hoạt. Lợi ích từ khu KT Hố Mây mang lại không nhỏ cho người dân Cam Hiệp Bắc. Nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp…

Theo ông Đinh Tấn Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã, Hố Mây là vùng KT có nhiều tiềm năng, với hàng trăm héc-ta đất nông, lâm nghiệp. Người dân các thôn Trung Hiệp 1, 2 đa số đều có đất sản xuất ở đây. Phần lớn đất đai được bà con trồng chuối, điều. Gần đây, nhiều loại cây trồng kém hiệu quả được phá bỏ để trồng cây khác có thu nhập cao hơn như: xoài, keo lai… Riêng ruộng lúa có khoảng 10ha. Cách làm của bà con là “lấy ngắn nuôi dài”, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên hiệu quả chưa cao. Một lý do khác là trước đây, vùng đất này chưa có đường giao thông thuận tiện nên việc sản xuất, vận chuyển vật tư, nông sản còn gặp khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh…

Ông Trương Anh Minh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, Hố Mây là vùng đất có nhiều thế mạnh về nông và lâm nghiệp. Xã xác định đây là vùng KT thứ hai của địa phương bởi diện tích khu Hố Mây đã chiếm hơn 1/2 diện tích tự nhiên toàn xã. Mấy chục năm qua, người dân đã khai thác và sản xuất trên diện tích hàng trăm héc+ta bằng hình thức nông, lâm kết hợp như: điều, keo, xoài, chuối, hoa màu và cả lúa. Diện tích rừng trồng theo Quyết định 743 có 30ha keo lá tràm. Theo thống kê, khu Hố Mây rộng hơn 875ha, trong đó đang sử dụng 735ha. Trong số này có 300ha đất bằng phẳng, còn lại là đồi núi. Hố Mây là vùng KT trọng điểm, đóng góp gần 50% thu nhập KT toàn xã. Gần đây, xã đã đánh giá lại tiềm năng của vùng Hố Mây và có hướng phát triển tiềm năng vùng này. Cụ thể, xã đã ban hành Nghị quyết phát triển khu Hố Mây, đề xuất với huyện đầu tư con đường đi vào khu Hố Mây với chiều dài hơn 2km, kinh phí 3,1 tỷ đồng. Xã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt trong khu vực. Thời gian tới, xã có kế hoạch giãn dân lên khu vực bằng phẳng để khai thác hết tiềm năng của khu Hố Mây, đồng thời phát triển KT vườn đồi, gia trại, trang trại. Bên cạnh đó, làm giảm áp lực về dân số, việc làm, lao động cho khu vực 1. Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng được khu dân cư ở đây và được ngành Điện cung cấp điện cho khu vực vùng lõm…

Như vậy, quyết tâm của xã đã rõ, hy vọng Hố Mây sẽ nhanh chóng trở thành vùng KT phát triển năng động, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển KT - xã hội của xã; vừa đáp ứng các mục tiêu KT, xã hội, vừa bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng…

QUANG VIÊN