01:06, 13/06/2011

Khá căng thẳng ở địa bàn TP. Nha Trang!

Tính đến ngày “khóa sổ” nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh Khánh Hòa có 15.954 thí sinh dự tranh 11.205 suất chỉ tiêu của 22 trường trung học phổ thông công lập, tỷ lệ “chọi” bình quân là 1/1,42.

Tính đến ngày “khóa sổ” nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 (TS10) năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh Khánh Hòa có 15.954 thí sinh (TS) dự tranh 11.205 suất chỉ tiêu của 22 trường trung học phổ thông (THPT) công lập, tỷ lệ “chọi” bình quân là 1/1,42. So với tổng số học sinh (HS) lớp 9 có mặt đầu năm học 2010 - 2011 đạt 89% vì có đến 1.897 HS không đăng ký dự thi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nha Trang khá căng với tỷ lệ “chọi” cao nhất tỉnh (1/1,88) do phải chia sẻ gần 1.500 chỉ tiêu TS10 cho các trường ngoài công lập. Các địa phương còn lại nhìn chung tỷ lệ “chọi” không chênh lệch nhau lớn; tính từ cao đến thấp là Cam Ranh (1,47), Khánh Sơn (1,37), Vạn Ninh (1,3), Cam Lâm (1,25), Ninh Hòa (1,23), Diên Khánh (1,18) và Khánh Vĩnh (1,11).

Đối với TS, tỷ lệ “chọi” của từng trường mới thực sự có ý nghĩa và tất nhiên dẫn đầu về mức độ tranh đua gay cấn về mặt số lượng vẫn là các trường THPT thuộc địa bàn Nha Trang như Hà Huy Tập (2,24), Nguyễn Văn Trỗi (2,23), Lý Tự Trọng (1,85)... Năm nay, xu thế “né” các trường tốp trên khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh, ví như ở Cam Ranh, tỷ lệ “chọi” của Trường THPT Ngô Gia Tự (1,77), Trần Hưng Đạo (1,4) cao hơn Phan Bội Châu (1,3); ở Ninh Hòa thì Trường Nguyễn Chí Thanh (1,53), cao hơn Nguyễn Trãi (1,31); ở Vạn Ninh, Trường Tô Văn Ơn (1,44) cao hơn Huỳnh Thúc Kháng (1,33) ... Tất nhiên, tỷ lệ này chỉ có ý nghĩa tương đối vì chất lượng TS mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đua này; kinh nghiệm từ nhiều năm trước cho thấy ở từng địa phương, các trường tốp trên luôn có điểm chuẩn đầu vào cao gấp đôi so với các trường tốp dưới.

Có nhiều trường kỳ thi TS10 năm nay chỉ mang ý nghĩa hình thức vì số lượng TS không cao hơn chỉ tiêu bao nhiêu như các Trường Lạc Long Quân - Khánh Vĩnh (349/315), Nguyễn Thị Minh Khai - Vạn Ninh (352/320), Trần Quý Cáp (455/400); các Trường Tôn Đức Thắng - Ninh Hòa và Nguyễn Thái Học - Diên Khánh mỗi nơi chỉ thừa vỏn vẹn 3 TS. Riêng Trường Nguyễn Huệ - Cam Lâm còn thiếu 32 hồ sơ mới đủ chỉ tiêu được giao. Đối với các trường này, nếu trừ tiếp số TS bỏ thi thì chỉ có những em nào học lực quá kém mới thi hỏng.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm nay tổ chức TS10 độc lập, riêng rẽ hoàn toàn so với các trường đại trà nên số lượng TS đăng ký dự thi đã được cải thiện một bước với tổng cộng 675 hồ sơ/300 chỉ tiêu (so với năm trước chỉ có 476 hồ sơ/300 chỉ tiêu). Các lớp chuyên có TS tương đối nhiều là Anh (184), Toán (139), Lý (133); tỷ lệ “chọi” ở các lớp này so với thực tuyển theo đúng quy chế trường chuyên có thể lên tới 1/5, 1/6...; trong khi đó môn Sinh, số lượng dự thi chỉ xấp xỉ với chỉ tiêu; riêng môn Tin học vẫn “ế” với vỏn vẹn 5 TS giống như năm ngoái!

Nhìn một cách toàn cục, cuộc đua vào lớp 10 năm nay thực sự gay cấn nhất vẫn thuộc về Trường THPT Lý Tự Trọng. Còn nhớ năm ngoái chỉ có 815 hồ sơ/600 chỉ tiêu nhưng vẫn là đường đua quyết liệt vì hầu như HS tham gia dự thi đều xếp loại học lực khá, giỏi cuối cấp trung học cơ sở. Năm nay, con số hồ sơ dôi ra so với chỉ tiêu lên tới 509; đó là chưa kể khoảng 300 TS không đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường chuyên Lê Quý Đôn cũng sẽ tham gia “đấu trường” nóng bỏng này. Vì thế, có lẽ chỉ những em nào có trình độ học lực vững vàng và đủ sức tự tin mới hy vọng trở thành tân HS của Trường Lý Tự Trọng trong năm học mới.

Nhiều bậc phụ huynh khá băn khoăn, lo lắng vì nếu không may trượt lớp 10 sẽ sắp xếp việc học hành của con em mình thế nào cho ổn. Ở Nha Trang hiện nay vẫn còn có các trường dân lập, tư thục và cả trường chất lượng cao mới mở (nhưng không phải gia đình nào cũng đủ sức trang trải học phí và các chi phí khác ở các trường này). Riêng các huyện, thị, thành phố khác nay không còn trường THPT ngoài công lập; thi rớt chỉ còn con đường vào học các lớp bổ túc văn hóa hoặc học nghề. Dù đó cũng là con đường đi phù hợp để phân luồng đào tạo, song không phải gia đình nào cũng dễ dàng thích nghi, nhất là đối với các em học khá nhưng không may bị hỏng do đầu đơn vào các trường có điểm chuẩn cao và tranh đua quá quyết liệt.

LÊ VĂN