11:06, 23/06/2011

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có diện tích rừng khá lớn với trên 45.387ha, trong đó 7.688ha có nguy cơ xảy ra cháy, tập trung chủ yếu ở các xã: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Xuân và Ninh Phước.

Kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng căm xe Ninh Tây, Ninh Hòa.
Ảnh minh họa
Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có diện tích rừng khá lớn với trên 45.387ha, trong đó 7.688ha có nguy cơ xảy ra cháy, tập trung chủ yếu ở các xã: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Xuân và Ninh Phước. Đến thời điểm này, do đang kỳ cao điểm của mùa khô, thời tiết khô hanh, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn thị xã luôn nằm trong tình trạng báo động. Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR).

Để chủ động bảo vệ rừng (BVR) trong mùa khô, ngay từ đầu năm, thị xã Ninh Hòa đã triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách PCCR. Bên cạnh kiện toàn 22 Ban chỉ đạo PCCR các cấp, thị xã đã thành lập 89 tổ, đội xung kích với 759 thành viên tham gia BVR, PCCR. Theo đó, các đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; tiến hành làm mới, phát dọn 50km đường băng cản lửa, đốt thực bì có điều khiển hàng trăm héc-ta rừng nhằm khoanh vùng, khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng nếu đám cháy xảy ra. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, các đơn vị chủ rừng đã triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các quy ước BVR đến từng cộng đồng dân cư và người dân sống ven rừng. Hàng tuần, thông qua hệ thống phát thanh, panô, áp phích thông tin kịp thời, chính xác nhằm cảnh báo, dự báo đến các địa phương có rừng, đơn vị chủ rừng các khu vực và đối tượng rừng có nguy cơ cháy cao. Mặt khác, chuẩn bị lực lượng xung kích tại chỗ, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố cháy rừng xảy ra.

Đặc biệt vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng ở Ninh Hòa rất cao vì người dân ở ven rừng thường xuyên đốt nương làm rẫy, nhất là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã phối hợp với đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở tiến hành rà soát lại diện tích nương rẫy, hướng dẫn đồng bào thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế; gắn trách nhiệm PCCR thông qua việc nhận khoán BVR bằng những quy ước và cam kết cụ thể đến từng hộ dân. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào rừng, kiên quyết đưa những hộ dân sinh sống trái phép ra khỏi rừng, cấm tuyệt đối việc dùng lửa và các dụng cụ khác để săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: Hiện nay, hầu hết diện tích rừng ở Ninh Hòa đều nằm trên các địa bàn xung yếu, địa hình phức tạp nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gặp không ít khó khăn. Khi xảy ra cháy rừng, phương tiện chữa cháy chủ yếu vẫn là các dụng cụ thô sơ như cào, rựa, nhánh cây, bình bơm cá nhân… nên hiệu quả không cao. Để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần coi trọng đầu tư phát triển rừng theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước và các đơn vị chủ rừng cần đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị phương tiện hiện đại cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có chính sách hỗ trợ lực lượng BVR, những người tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặt khác, thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá công tác PCCR và xử lý nghiêm kẻ gây ra cháy rừng, những hành vi thiếu trách nhiệm BVR làm bài học giáo dục, răn đe trong xã hội. Ngoài ra, cần có kế hoạch cụ thể như giao đất, giao rừng cho dân, song song đó lồng ghép với các chương trình kinh tế khác để nhân dân có thể sống được với rừng.

Để công tác PCCR có hiệu quả, việc xây dựng hệ thống hồ chứa nước, đường băng cản lửa là giải pháp tối ưu để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Giải pháp này không chỉ cần thực hiện tốt đối với diện tích rừng hiện có, mà còn cần được thực hiện đầy đủ ngay từ khi tiến hành trồng rừng. Nơi có điều kiện hoặc ở vùng xung yếu, nên tổ chức tập huấn, thao diễn kỹ thuật xử lý các tình huống khi xảy ra cháy rừng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng phòng cháy, chữa cháy với chính quyền và nhân dân địa phương theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) có ý nghĩa quyết định đến việc chữa cháy rừng. Trong đó lực lượng Kiểm lâm, quân đội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy giữ vai trò nòng cốt. Về lâu dài, các ngành chức năng không nên duyệt bất cứ dự án nào về phát triển rừng nếu thiếu nội dung phòng cháy, chữa cháy rừng.

ANH TUẤN