12:06, 22/06/2011

Những tấm gương vươn lên bằng nghị lực

Cầm bản danh sách gia đình tiêu biểu do Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa) giới thiệu, chúng tôi thật khó để chọn ra một số gia đình nổi bật để giới thiệu trong phạm vi bài viết này.

Cầm bản danh sách gia đình tiêu biểu do Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa) giới thiệu, chúng tôi thật khó để chọn ra một số gia đình nổi bật để giới thiệu trong phạm vi bài viết này. Tuy mỗi gia đình có một hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau, thuộc nhiều thành phần trong xã hội nhưng họ vẫn vươn lên và trở thành những tấm gương tiêu biểu đáng để con cái và cả xã hội học tập, noi theo.

. Chồng là “hậu phương”

Kết thúc giờ khám bệnh tại phòng mạch cũng là lúc quá bữa cơm tối, nhưng với chị Đinh Thị Hoan, bác sĩ chuyên ngành tâm thần thì điều đó đã trở thành nhịp sống thường ngày. Phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, vừa là Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần, Trưởng khoa Nữ, vừa tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Y tế, công việc của chị Hoan không lúc nào hết bận rộn. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng và cho đến 8 giờ tối chị vẫn còn khám cho bệnh nhân tại phòng mạch. Nhìn vào lịch làm việc của chị, nhiều người có suy nghĩ: “chị là con người của xã hội chứ không phải của gia đình”. Nhưng ít ai biết rằng, chị không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn có một gia đình khá vẹn tròn. Anh Nguyễn Duy Thảo, chồng chị là giảng viên Trường Sĩ quan Không quân, Bí thư Đảng ủy cơ sở; con trai đầu là học viên năm thứ 5 Học viện Hải quân, sắp tới được giữ lại làm giảng viên của trường; con gái út không chỉ là học sinh xuất sắc 9 năm liền mà còn là một lớp trưởng, liên đội trưởng năng động. Vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, các con học giỏi, ngoan hiền… đó là thành quả của vợ chồng chị Hoan sau những tháng ngày vất vả, khó khăn.

 Bữa cơm tối là thời gian quây quần, sum họp của cả gia đình chị Đinh Thị Hoan sau một ngày bận rộn.

Là một bác sĩ có trách nhiệm cao trong công việc, chị Hoan quan niệm: “Là bác sĩ, nếu không giỏi thì chỉ làm khổ bệnh nhân, đặc biệt lại là bệnh nhân tâm thần”. Vì vậy, dù bộn bề với chuyện gia đình và công việc, chị vẫn quyết định theo học cao học chuyên ngành tâm thần tại Hà Nội, rồi học thêm Anh văn, Pháp văn... trong sự ủng hộ, động viên của chồng. Lúc chị Hoan đi học cao học, đứa con gái út mới tròn 1 tuổi, anh Thảo vừa phải giảng dạy tại trường, vừa chăm sóc hai con. Hết giờ làm, anh vội vã trở về nhà để làm công việc nội trợ, đưa đón con, chăm lo cho con từ giấc ngủ đến việc học hành… Tất cả những công việc trong nhà, anh đều quán xuyến để chị yên tâm học hành. Và cho tới giờ, khi chị luôn bận rộn với việc chăm sóc bệnh nhân, anh vẫn luôn là “hậu phương” vững chắc, cùng chị chia sẻ những thành công cũng như những khó khăn trên con đường sự nghiệp. Người ta hay nói, sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ, nhưng có lẽ với gia đình chị Hoan thì ngược lại.

. Vươn lên bằng nghị lực

Tuy không vẹn tròn như gia đình chị Hoan nhưng gia đình chị Phan Thị Sen, giáo viên của Trung tâm Giáo dục Trẻ em Khuyết tật tỉnh lại khiến nhiều người cảm mến bằng nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Sự ra đi đột ngột vì căn bệnh ung thư của người chồng vốn là lính hải quân đã khiến chị Sen suy sụp không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất khi hai đứa con gái đang tuổi ăn học. Hai đứa con của chị còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi mất mát này. Chúng chỉ biết rằng từ ngày ba mất, chúng không còn được học đàn, học múa ở nhà thiếu nhi, cuộc sống không còn được đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa. Chị Sen tâm sự: “Nếu không có hai đứa con thì tôi không thể vượt qua được nỗi mất mát quá lớn đó. Niềm vui của tôi chỉ còn có con và công việc”.

Với đồng lương công nhân viên chức, chị Sen không thể trang trải cho cuộc sống và việc học hành của hai con. Tuy có sự giúp đỡ từ phía đơn vị chồng, từ bạn bè, người thân nhưng chị xác định phải cố gắng nuôi con bằng chính sức lực của mình. Từng là giáo viên tiểu học nên hết giờ dạy ở trung tâm, chị nhận dạy thêm cho các cháu lớp 5, lớp 6 trong xóm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị còn làm hoa vải, hoa voan để bán cho nhà sách Hải quân, cho bạn bè và hàng xóm. Hai đứa con gái của chị dần khôn lớn, hiểu hoàn cảnh gia đình, thương mẹ nên luôn chăm chỉ học hành. Hiện nay, cả hai đều là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, có thể tự lo cho cuộc sống xa nhà. Cô chị lớn Nguyễn Bích Ngọc hàng năm đều nhận được học bổng 1.200USD; còn cô em Nguyễn Minh Thư mỗi năm cũng nhận được học bổng 100USD đủ để đóng tiền học phí và trang trải thêm cuộc sống. Khi con cái đã sống tự lực được phần nào, chị Sen lại dành thời gian cho việc nâng cao chuyên môn để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy trẻ khuyết tật. Năm 2010, chị hoàn thành xong chương trình Đại học Sư phạm khoa Tiểu học, bằng B Anh văn, hiện chị đang học thêm tiếng Pháp để làm việc với các chuyên viên nước ngoài đến trung tâm. Ngoài ra, chị luôn tham gia nghiên cứu khoa học, có sáng kiến cải tiến phương pháp, đồ dùng trong dạy và học. Chính vì vậy, suốt 4 năm liền từ 2007 - 2010, chị luôn đạt Chiến sĩ thi đua, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Công đoàn ngành, Sở Y tế.

Dù ở hoàn cảnh nào, những người phụ nữ có nghị lực vẫn cố gắng vươn lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa chăm lo cho gia đình được hạnh phúc, êm ấm không phải là việc quá khó nhưng cũng không phải là dễ đối với nhiều người trong xã hội.

HOÀNG DUNG