03:06, 05/06/2011

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng và kỷ niệm những lần biên soạn sách về Bác Hồ

Vinh dự được trực tiếp biên soạn một số tập sách về Bác Hồ từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, nhà văn Nguyễn Gia Nùng không chỉ có điều kiện tiếp xúc với một khối lượng lớn tư liệu liên quan đến Bác,...

Vinh dự được trực tiếp biên soạn một số tập sách về Bác Hồ từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, nhà văn Nguyễn Gia Nùng không chỉ có điều kiện tiếp xúc với một khối lượng lớn tư liệu liên quan đến Bác, mà qua đó còn rút ra được cho bản thân những bài học quý giá trên con đường văn chương của mình. Đó mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên, là tài sản vô giá trong suốt cuộc đời của ông.

Chúng tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Gia Nùng đúng vào dịp cả nước đang hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011). Trong căn nhà nhỏ ở chung cư Vĩnh Phước (TP. Nha Trang), câu chuyện của chúng tôi với nhà văn nhắc đến những ngày tháng ông được trực tiếp biên soạn 2 tập sách về Bác Hồ, đó là: Chúng ta có Bác Hồ và Dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong.

Ngày ấy, vào năm 1965, biên tập viên trẻ Nguyễn Gia Nùng công tác tại Nhà xuất bản Lao Động (NXBLĐ) được khoảng 4 năm. Trong suốt thời gian đó, bản thân ông không bao giờ dám nghĩ đến sẽ có một ngày mình được trực tiếp biên soạn sách về Bác Hồ. Rồi điều dường như không tưởng đó đã đến với ông đầy bất ngờ. Ông kể: “Một ngày đầu tháng 4-1965, tôi cùng đồng chí Tổng Biên tập NXBLĐ lên gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam để nhận chỉ thị ra một tập sách đột xuất. Sách gì mà đặc biệt vậy? - trong đầu tôi suy nghĩ. Thật bất ngờ, cũng là niềm vui lớn đối với chúng tôi khi đó là tập sách nói lên tình cảm của giai cấp công nhân và những người lao động đối với Bác”.

 Nhà văn Nguyễn Gia Nùng.
Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Gia Nùng, năm ấy, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác (19-5-1890 – 19-5-1965), nhiều NXB Trung ương và địa phương đã chuẩn bị tư liệu để ra một số tập sách về Bác. Khi biết chuyện, Bác đã đề nghị để lại với đại ý: “Tình hình đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, có nhiều khó khăn, giấy bây giờ cần ưu tiên trước hết cho các cháu học chứ không phải in sách về Bác” (trích bài Năm ấy chúng tôi làm sách về Bác Hồ trong cuốn Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh của Nguyễn Gia Nùng). Tuy nhiên, với sự đề nghị rất tế nhị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bác đã đồng ý để NXBLĐ ra cuốn sách nói lên tình cảm gắn bó của giai cấp công nhân với vị lãnh tụ của mình. Đó là cuốn sách duy nhất viết về Bác được xuất bản trong dịp tháng 5-1965. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng nói: “Khi Bác đã đồng ý cho làm sách về Bác, đây là một điều vui mừng, vinh dự lớn đối với chúng tôi, nhưng đồng thời đó cũng là trách nhiệm nặng nề đối với những người làm công tác biên tập. Hôm ấy đã là ngày 5-4, trong khi yêu cầu sách phải ra trước ngày kỷ niệm sinh nhật Bác mới đáp ứng được lòng mong mỏi của mọi người. Vì vậy, chúng tôi phải cật lực thực hiện để trong khoảng thời gian 45 ngày có thể tổ chức viết, biên tập, in ấn và phát hành kịp thời”.

Niềm vinh dự, phấn khởi, đồng thời là áp lực của nhà văn Nguyễn Gia Nùng và 30 anh chị em nhà văn, nhà báo, biên tập viên như được nhân lên khi bản thảo của tập sách được Bác trực tiếp đọc trước khi đưa đi in. Ngày 7-5, bản thảo tập sách với hơn 300 trang đánh máy được chuyển lên cho Bác. Ngày 13-5, Bác đọc xong và nhắn NXB cử người lên lấy về. Trong khoảng thời gian đó là sự hồi hộp chờ đợi với bao lo lắng của đội ngũ những người tham gia làm sách. Rồi đội ngũ ấy cũng nhận tập bản thảo về với rất nhiều bút tích của Bác phê rõ ràng những vấn đề không chỉ ở nội dung mà cả cách đặt câu, dùng chữ; có những bài Bác đánh dấu X để NXBLĐ xem xét. Sau khi hoàn chỉnh, chiều 16-5, bản thảo tập sách được đưa xuống Nhà in Tiến Bộ và đến chiều 18-5, tập sách dày hơn 200 trang, bìa giấy dày, có hơn 10 ảnh phụ bản với tên gọi Chúng ta có Bác Hồ đã được hoàn thành. Tập sách bao gồm nhiều câu chuyện thể hiện tình cảm ấm áp của các tầng lớp nhân dân lao động đối với Bác và còn có ý nghĩa đến tận hôm nay như: Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước, chuyện kể của đồng chí Nông Thị Trưng được Bác Hồ tặng vở, chuyện đồng chí Vũ Anh được Bác dạy chữ ở Pắc Bó, chuyện một đồng chí thương binh được Bác gửi cam ngày Tết, chuyện gia đình một chị công nhân vệ sinh môi trường được Bác đến chúc Tết… Tập sách ra đời đã đáp ứng được lòng mong mỏi của đông đảo công chúng và nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình của dư luận khắp cả nước. Riêng đối với nhà văn Nguyễn Gia Nùng, ngoài công tác biên tập, viết bài, trong thời gian làm sách, ông còn là người chuyển tập chân dung về Bác Hồ do bộ đội, chiến sĩ ở các chiến trường vẽ, được thương binh Hoàng Văn Vượng cất giữ trong nhiều năm để gửi tặng Bác…

Niềm tự hào của nhà văn Nguyễn Gia Nùng càng nhân lên khi năm 1968, ông cùng với một số đồng chí khác ở NXBLĐ được trực tiếp biên soạn tập sách người tốt, việc tốt có tựa đề Dân tộc anh hùng, giai cấp tiên phong. Chồng tư liệu gồm 18 tập, cao hơn 50cm do Bác trực tiếp sưu tầm về những gương người tốt, việc tốt trong nhân dân từ các báo Trung ương, báo địa phương, báo ngành, báo nước ngoài, thông tấn xã và cả những đoạn báo cáo…, tổng cộng có hơn 5.000 gương thuộc đủ các ngành, giới, các địa phương, các dân tộc, mọi lứa tuổi với những việc làm phong phú, đa dạng… đã được Bác lựa chọn và thưởng huy hiệu của Người. Với đặc thù NXB của giai cấp công nhân nên nhà văn Nguyễn Gia Nùng và đồng nghiệp có trách nhiệm đọc tập tài liệu trên và chọn lấy những nhân vật thuộc đối tượng mình phục vụ. Nhà văn tâm sự: “Chưa bao giờ công tác biên tập của chúng tôi lại sôi nổi, hào hứng và xúc động đến thế. Không khí làm việc khẩn trương không kể giờ giấc. Chúng tôi cảm động biết bao khi chứng kiến nhiều bút tích của Bác trên những trang tư liệu đó; khi thì Bác ghi cần hỏi thêm, cần xác minh, khi Bác gạch dưới những dòng quan trọng, những việc cần chú ý… Rõ ràng, Bác đã đọc những bài, những tin ấy với sự quan tâm đặc biệt và kỹ hơn bất cứ một cán bộ biên tập nào”. Trong số các tập bản thảo của 6 NXB, tập bản thảo của NXBLĐ về đối tượng là giai cấp công nhân được Bác duyệt đầu tiên. Với nhiều ý kiến đóng góp cụ thể của Bác về nội dung một số bài viết; về cách sử dụng câu, chữ; cách vẽ tranh minh họa… đã giúp cho nhà văn Nguyễn Gia Nùng và đồng nghiệp rút ra được nhiều bài học quý cho bản thân.

Những kỷ niệm trong thời gian được biên soạn sách về Bác Hồ mãi mãi được nhà văn Nguyễn Gia Nùng khắc sâu trong tâm tưởng. Đối với ông, đó là những gì quý giá nhất.

NHÂN TÂM