07:06, 30/06/2011

Đề thi vừa sức học sinh

Sáng 29-6, hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bước vào ngày thi đầu tiên với 2 môn Ngữ văn và Vật lý.

* 321 thí sinh bỏ thi

Sáng 29-6, hơn 15.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập trên địa bàn tỉnh đã bước vào ngày thi đầu tiên với 2 môn Ngữ văn và Vật lý. Theo đánh giá của giáo viên (GV) và TS, đề thi năm nay vừa sức học sinh (HS).

Tại Hội đồng thi (HĐT) Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), sau khi kết thúc 120 phút làm bài thi môn Văn, các TS rời phòng thi với nhiều tâm trạng. TS Trần Lê Mỹ Duyên (Trường Trung học cơ sở - THCS - Nguyễn Hiền) vui vẻ cho biết: “Đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái. Em và nhiều bạn khác làm xong bài còn dư thời gian tới 40 phút. Nội dung các câu hỏi đều nằm trong chương trình đã học nhưng vẫn có tính nâng cao và phân loại HS. Em rất thích câu 3: Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương dựa vào ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương ”. Theo Mỹ Duyên, với câu hỏi này, HS cần có suy nghĩ đúng đắn và còn phải biết chiêm nghiệm một cách sâu sắc từ những kinh nghiệm bản thân. Ngoài ra, để đạt được điểm tối đa (3 điểm), HS phải có kỹ năng cấu tạo bài viết, trình bày ý tưởng rõ ràng, mạch lạc, sinh động.

Thí sinh xem lại thông tin cá nhân trước khi vào phòng thi

Tại HĐT Hà Huy Tập (Nha Trang), nhiều TS ra về trong tâm trạng phấn khởi nhưng sự căng thẳng vẫn hiện rõ trên khuôn mặt. Một nhóm TS sau khi thảo luận đề Văn cho biết, đề thi dễ nhưng không ai dám quả quyết là làm bài tốt! Nhận xét về đề Văn năm nay, nhiều GV khẳng định đề thi không dễ. Câu 3 là một câu mở, TS có thể có nhiều cách trình bày và nhiều ý tưởng khác nhau. Tuy nhiên, với câu hỏi đầy tính cảm xúc, HS có thể sẽ rơi vào tình trạng viết ngắn hơn hoặc dài hơn so với yêu cầu. Do đó, có thể sẽ có nhiều tranh luận khi chấm điểm câu này và không dễ đạt điểm tối đa. Nhưng nhìn chung, đề thi có tính tư tưởng cao. Trong đó, hai câu 3 và 4 có tính phân loại cao, sẽ thuận lợi cho việc tuyển sinh vào lớp 10.

Tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi
15 giờ chiều 29-6, tại HĐT Hoàng Văn Thụ, sau khi kết thúc 60 phút làm bài thi môn Lý, hầu hết TS ra về trong tâm trạng phấn chấn vì đề thi tương đối dễ. Nhiều TS cho biết chỉ làm bài trong vòng 30 phút. TS Ngọc Minh (Trường THCS Nguyễn Khuyến) nói: “Em khá bất ngờ khi đọc đề thi, dễ như đề kiểm tra học kỳ. Em làm bài xong còn dư tới 40 phút”. Tại HĐT Lý Tự Trọng, nhiều TS tỏ ra mệt mỏi cho dù làm bài tốt. Nhiều TS tâm sự, thời tiết oi bức ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng của các em. Đề thi môn Vật lý quá dễ, không có sự phân hóa, sàng lọc rõ ràng khiến TS lo lắng.

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012, Khánh Hòa có 15.265 TS ĐKDT. Trong đó, 14.583 TS dự thi bắt buộc 3 môn, 682 TS chỉ dự thi 2 môn (TS ĐKDT vào Trường THPT Khánh Sơn, Trường THPT Lạc Long Quân và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh không dự thi môn thứ ba là môn Vật lý). Trong ngày thi đầu tiên, môn Văn có 14.955 TS dự thi, 310 TS bỏ thi không có lý do, trong đó HĐT Trần Hưng Đạo (Cam Ranh) có số TS bỏ thi nhiều nhất (33 TS), tiếp đến là HĐT Lạc Long Quân, Khánh Vĩnh (26 TS) và HĐT Nguyễn Huệ, Cam Lâm (26 TS); ở môn thi Vật Lý, trừ 682 TS không phải dự thi, có thêm 11 TS bỏ thi không có lý do. Ngày 30-6, các TS bước vào môn thi cuối cùng là môn Toán.

Các thí sinh bắt đầu vào phòng thi tại HĐT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang
Năm học 2010-2011 kết thúc, toàn tỉnh có 17.760 HS tốt nghiệp THCS, đạt tỷ lệ 98,7%. Trong số đó, chỉ có gần 11.000 HS được học trong các trường THPT công lập theo chỉ tiêu giao. Số còn lại sẽ phải học ở các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề… Những con số này cho thấy cuộc đua vào lớp 10 công lập năm nay quyết liệt hơn năm ngoái. Chính vì vậy, năm nay, nhìn vào danh sách TS ĐKDT của các trường, xu thế “né” các trường tốp trên khá phổ biến. Ví dụ như ở Cam Ranh, tỷ lệ “chọi” của Trường THPT Ngô Gia Tự (1/1,77), THPT Trần Hưng Đạo (1/1,4) cao hơn THPT Phan Bội Châu (1/1,3); ở Ninh Hòa, tỷ lệ “chọi” của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (1/1,53) cao hơn THPT Nguyễn Trãi (1/1,31); ở Vạn Ninh, Trường THPT Tô Văn Ơn (1,44) có tỷ lệ “chọi” cao hơn THPT Huỳnh Thúc Kháng (1/1,33)...

THU HIỀN