Nếu như đường Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) được xem là “phố cắt tóc” thì đường Thái Nguyên lại được nhiều người gọi là “phố may vá”, bởi ở đây có rất nhiều thợ may mưu sinh trên hè phố. Chưa đầy 200m, nhưng vỉa hè của con phố này có rất nhiều bàn máy may chủ yếu là “nhận sửa quần áo”.
Nếu như đường Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) được xem là “phố cắt tóc” thì đường Thái Nguyên lại được nhiều người gọi là “phố may vá”, bởi ở đây có rất nhiều thợ may mưu sinh trên hè phố. Chưa đầy 200m, nhưng vỉa hè của con phố này có rất nhiều bàn máy may chủ yếu là “nhận sửa quần áo”.
. Nghề của người nghèo
Ngày lại ngày, những người thợ may trên vỉa hè gò lưng với chiếc bàn máy may, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Hơn 12 giờ trưa, chị Lưu Kim Sương (35 tuổi, ở phường Phương Sài, TP. Nha Trang) vẫn còn cặm cụi trên bàn máy may nơi vỉa hè đường Thái Nguyên để sửa lại chiếc quần cho khách. Tiếng chạy lạch phạch không ngưng nghỉ của chiếc máy may cho thấy dường như chị đang chạy đua với thời gian. “Khách hẹn 12 giờ 30 sẽ quay lại lấy đồ nên mình phải làm nhanh mới kịp. Nghề này mà không đúng hẹn là mất hết khách” - chị Sương nói. Như bao người làm nghề may vá trên con phố này, công việc hàng ngày của chị Sương là nhận sửa quần áo cũ và cắt lai quần jeans cho khách. Khách hàng của chị Sương rất đa dạng, từ công nhân viên chức đến những người lao động, sinh viên… Nguyễn Thị Nguyệt - sinh viên Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết, dù ở trọ tận Bến xe phía Bắc nhưng cô vẫn hay đến đây để sửa đồ, bởi thợ may ở đây rất nhiệt tình, giá cả lại hợp lý.
Được biết, “phố may” trên đường Thái Nguyên ra đời đã mười mấy năm nay. Ban đầu chỉ một vài người. Lâu dần, thấy “làm ăn được” nên người làm nghề may vá vỉa hè ngày càng đông hơn. Đồ nghề của các thợ may vỉa hè khá gọn nhẹ gồm: máy may, kéo, hộp chỉ, bao vải vụn và một vài chiếc ghế nhựa cho khách ngồi. Thợ may vỉa hè có nhiều lứa tuổi, xuất thân cũng rất đa dạng nhưng đều có cuộc sống khó khăn. Chị Sương cho biết, chị sinh ra ở một miền quê nghèo tận Kiên Giang, lên 10 tuổi đã theo bố mẹ đến Khánh Hòa sinh sống. Khi còn nhỏ, chị phải đi phụ bán hàng để có thêm tiền giúp bố mẹ nuôi mấy đứa em ăn học. Lớn lên, chị Sương được mẹ cho đi học nghề may. “Tưởng rằng sau khi học được nghề, mình sẽ có được một tiệm may để đỡ đần thêm cho bố mẹ; nhưng vì hoàn cảnh nên mơ ước đó đã trở nên quá xa xỉ với một người con gái nhà nghèo như mình” - chị Sương kể. Vì thương bố mẹ và các em nên chị đã tìm cho mình một chỗ may tạm trên con phố Thái Nguyên này. Cũng từ đó, chị chính thức trở thành “thành viên” của đội may hè phố.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Sơn (29 tuổi) và chị Lê Kim Ngọc (25 tuổi, nhà ở phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) cũng làm nghề may vá trên con phố này. Lúc trước, anh Sơn làm nghề đổi gas nhưng thu nhập không được bao nhiêu, công việc lại quá vất vẻ nên anh đã bỏ và theo vợ… học may. Gia cảnh khó khăn, lại vừa mới ra ở riêng nên vợ chồng anh chị không có đủ tiền để mở một quán may nhỏ. Nghe bạn bè chỉ bảo, vợ chồng anh Sơn đã tìm đến con phố này để đặt bàn may mưu sinh. 7 năm may vá trên con phố Thái Nguyên, vợ chồng anh Sơn nhìn thấy biết bao sự đổi thay của phố phường, chỉ có cuộc sống của những người thợ may vẫn vậy.
. Nhọc nhằn “nghiệp kim chỉ”
Hàng ngày, những thợ may vỉa hè đều trải qua một nhịp sống gần giống như nhau, mở hàng từ 6 giờ 30, 18 giờ dọn hàng. Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hầu hết thợ may ở đây đều mang cơm hộp đi làm. Giá cả tăng vùn vụt, nhưng giá sửa áo quần ở đây chẳng tăng bao nhiêu, bởi những người như chị Sương cho rằng: “Năng nhặt chặt bị” chứ tăng giá cao sẽ mất khách”. Lên lai quần, thay dây kéo đều có giá 10.000 đồng, khâu lại đường chỉ 5.000 đồng, tùy theo khách sửa ít hay nhiều mà thợ may tính giá. Trừ tiền kim chỉ, vải vóc, bình quân mỗi thợ may kiếm được từ 70.000 đến 100.000 đồng/ngày.
Bên chiếc bàn may đã cũ, bà Trần Thị Minh Cả (54 tuổi, phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) tâm sự: Đã gần 18 năm kể từ khi phố thợ may được “thành lập”, cũng từng ấy thời gian bà Cả gắn bó với công việc may vá, cắt sửa áo quần trên con phố này. Bao nhiêu chuyện buồn vui, nhọc nhằn với nghề kim chỉ, bà Cả đều nếm trải. Nhà ở tận đồi Trại Thủy nên lúc trời còn tờ mờ sáng, bà Cả đã thức dậy để chuẩn bị đồ nghề đi làm. Trong túi đồ nghề của bà lúc nào cũng có một cà mèn đựng cơm, cá và một hộp lạc rang để dành cho buổi trưa. Vất vả là thế, nhưng thu nhập ở đây cũng chỉ đủ để gia đình bà sống qua ngày.
Làm nghề may vá vỉa hè vất vả nhất là những ngày mưa. “Mỗi khi trời mưa, có dù chúng tôi cũng không dám che vì sợ lực lượng của đội tuần tra đô thị phạt. Lúc ấy, chúng tôi chỉ còn cách che đậy máy móc, đồ nghề… rồi tìm chỗ trú mưa, đợi hết mưa rồi mới ra làm tiếp” - anh Sơn bày tỏ. Những người làm thợ may ở đây đều biết chiếm hè phố là trái với quy định trật tự đô thị, nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm liều… Anh Sơn tâm sự: “Không ai muốn làm việc trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, nhưng vì mưu sinh nên phải làm liều. Đã có lần tôi chuyển đi qua con phố khác, nhưng thu nhập bị giảm sút hẳn nên phải chuyển về lại nơi này…”. Đúng là “cái khó bó cái khôn”!
ANH KHOA