Sau ly hôn, chị Kim Oanh (đường Thủy Xưởng, Nha Trang) một mình nuôi con. Lúc đó, con chị chỉ mới 2 tuổi. Bây giờ, con của chị đã chuẩn bị thi vào lớp 10. Ai cũng hỏi sao chị không “đi bước nữa”, chị chỉ cười: “Cũng có nhiều người đặt vấn đề với tôi,...
Sau ly hôn, chị Kim Oanh (đường Thủy Xưởng, Nha Trang) một mình nuôi con. Lúc đó, con chị chỉ mới 2 tuổi. Bây giờ, con của chị đã chuẩn bị thi vào lớp 10. Ai cũng hỏi sao chị không “đi bước nữa”, chị chỉ cười: “Cũng có nhiều người đặt vấn đề với tôi, nhưng vì thương con, tôi quyết định gác chuyện riêng tư. Tìm một người hợp với mình đâu phải chuyện dễ, hơn nữa mình lại còn có con riêng, tôi sợ người ta không thương con mình…”. Chị Oanh tâm sự, trong gia đình thiếu vắng bóng đàn ông, làm bà mẹ đơn thân có rất nhiều khó khăn mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai…
Chị Oanh kể, lúc mới ly hôn, chị và chồng cũ giao ước cứ một tuần anh đón con về nhà chơi, một tuần ở với mẹ. Lúc đó, chị thấy cũng tạm ổn, vì con chị vẫn có sự chăm sóc của cả ba và mẹ. Được một thời gian, chồng chị tái hôn, chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống. Vừa bận rộn việc cơ quan, vừa tranh thủ đi học để lấy thêm tấm bằng cao học, thế nhưng chị vẫn chu toàn chuyện gia đình, con cái. Chị tập cho bé Quang - con chị tính tự lập ngay từ bé: tự ăn, tự tắm, tự học… Nhà chỉ có 2 mẹ con, chị Oanh vừa làm mẹ vừa làm bố. “Trong nhà, mọi chuyện đều mình tôi cáng đáng. Tủi thân nhất là những khi hai mẹ con cùng đổ bệnh, nằm ôm con mà nước mắt cứ rơi…” - chị Oanh kể. Nhưng điều khó khăn nhất không phải chỉ có thế. Con trai càng lớn, chị càng đối mặt với nhiều câu hỏi khó của con. Chẳng hạn như hồi học lớp 3, bé Quang hỏi chị: “Sao mấy bạn trong lớp có bố đưa đón đi học, còn con thì không?”. Lớn hơn một chút, bé thắc mắc: “Sao bố không sống với mẹ con mình”. Chị phải lựa lời giải thích để con hiểu và chấp nhận sự thật. Rồi đến khi con trai dậy thì, chị Oanh cũng khéo léo dạy con cách thích nghi với sự thay đổi của cơ thể. “Thỉnh thoảng, tôi đưa cháu vào thăm bố, thăm các em cùng cha khác mẹ. Tuy chia tay nhưng tôi không bao giờ gieo vào đầu cháu những ý nghĩ không hay về bố nó… Được cái, bé Quang ngoan ngoãn, học giỏi và rất thương mẹ. Đó là niềm hạnh phúc và là tài sản quý giá nhất của một bà mẹ đơn thân như tôi…” - chị Oanh tâm sự.
Khác với chị Oanh, chị T.N.U (nhân viên tư vấn của một công ty bảo hiểm) quyết định sinh con mà không cần có chồng. Thuộc dạng “quá lứa lỡ thì”, năm 38 tuổi, chị âm thầm vào TP. Hồ Chí Minh kiếm một mụn con. Mới đầu, gia đình chị phản đối kịch liệt, nhưng khi bé gái xinh xắn chào đời, mọi người chấp nhận và thông cảm. Chị U. kể: “Mới đầu, tôi cũng đấu tranh tư tưởng dữ lắm, sợ thiên hạ xì xầm, bàn tán. Nhưng rồi, ước muốn được một lần làm mẹ luôn thôi thúc khiến tôi quyết định… liều một phen”. Từ khi có con, chị U. bận rộn hơn nhưng vui hẳn, đi đâu cũng một mẹ một con tíu ta, tíu tít. “Tất cả những khó khăn tôi đều đã vượt qua. Tuy vậy, nhiều khi thấy bạn bè, hàng xóm xầm xì, thậm chí bỡn cợt, tôi cảm thấy tủi thân, chỉ sợ con gái nghe được sẽ bị tổn thương” - chị U. nói mà khóe mắt ươn ướt. Chị cũng lo lắng dạy con thế nào để bé thích nghi với cuộc sống không có bố, chấp nhận sự thật này mà không bị sốc, nhất là khi bé bước vào tuổi dậy thì.
Làm mẹ đơn thân không phải là điều đơn giản… (Ảnh minh họa) |
Nuôi con một mình không đơn giản. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, nhiều người phải trở thành bà mẹ đơn thân. Để giảm thiểu những khó khăn và nỗi khổ của các bà mẹ đơn thân, các bà mẹ cần phải chủ động ứng phó. Đối với các bà mẹ đã ly hôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chồng cũ trong việc nuôi dạy con, giải thích cho con hiểu, giúp con không bị sốc và không mặc cảm, không nên che đậy hoặc nói dối con. Đối với những phụ nữ trước khi quyết định sinh con một mình, nên chăng cần suy nghĩ thấu đáo để đảm bảo cho đứa trẻ sinh ra không bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Điều đó đòi hỏi một “single mom” phải hết sức mạnh mẽ và bản lĩnh để có thể vững vàng và thích ứng với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống.
NHÃ KỲ