07:06, 11/06/2011

Làm giàu từ nhựa phế liệu

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, nhưng bằng niềm đam mê cùng niềm tin vào bản thân, anh Phạm Tấn Anh (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở thành chủ một cơ sở chế biến nhựa tái sinh với dây chuyền máy chế biến hạt nhựa thô do chính anh mày mò sáng tạo, sau hơn 6 năm “lăn lộn” với nghề…

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, nhưng bằng niềm đam mê cùng niềm tin vào bản thân, anh Phạm Tấn Anh (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở thành chủ một cơ sở chế biến nhựa tái sinh với dây chuyền máy chế biến hạt nhựa thô do chính anh mày mò sáng tạo, sau hơn 6 năm “lăn lộn” với nghề…

. Gian nan khởi nghiệp

Năm 2004, khi nhìn thấy đống nhựa phế liệu với rất nhiều màu sắc sinh động ở một vựa phế liệu, anh Phạm Tấn Anh (khi đó 24 tuổi) đã sớm nhận ra tiềm năng của loại rác thải này. Vượt qua sự ngăn cản từ phía gia đình, với niềm đam mê lẫn quyết tâm, Tấn Anh đã khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh theo học nghề sản xuất nhựa tái chế, sau 4 năm gắn bó với nghề cơ khí. “Những ngày tháng đó với tôi thật sự cơ cực và gian nan. Gia đình hoàn toàn không ủng hộ việc tôi từ bỏ nghề cơ khí để theo đuổi một nghề hoàn toàn xa lạ. Vào TP. Hồ Chí Minh, tôi thuê nhà ở và xin vào làm khuân vác ở các cơ sở chế biến nhựa tái sinh, chấp nhận làm không công với mục đích học hỏi cách nhận biết, phân loại nhựa. Cứ vài ngày, tôi lại chuyển sang cơ sở khác để học về loại nhựa khác. Công việc rất vất vả, nên sau 1 tháng, tôi sụt gần 10kg. Thế nhưng, niềm vui lớn nhất của tôi là đã thuần thục cách phân loại và nhận biết các loại nhựa”.

Trở về Cam Ranh, Tấn Anh lại đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình, đặc biệt là người cha. Mẹ anh, vì thương con nên đã lén chồng đưa cho anh 13 triệu đồng để mua máy nghiền phế liệu. Có máy, anh lại phải mua nợ người quen 8 tấm tôn và đốn tre dựng xưởng. Sau đó, anh lại lén gia đình mang sổ đỏ đi cầm cố được 15 triệu đồng làm vốn xoay xở thu mua phế liệu. 3 tháng sau ngày khởi nghiệp, số vốn ấy chỉ còn lại 5 triệu đồng. Tuy gặp áp lực vì công việc thất bại nhưng anh vẫn nhất quyết không từ bỏ đam mê. “Thay vì làm nhiều loại như trước, tôi đổi sang làm loại duy nhất là nhựa PAT (loại nhựa dùng đóng chai nước khoáng). Từ đó đến nay, công việc tiến triển đều đặn, thuận lợi hơn”, anh chia sẻ.

. “Cái khó… ló cái khôn”

Từ hơn 6 năm trước, Tấn Anh đã sớm nhìn ra giá trị tái sử dụng của những chai nhựa phế liệu.
Một khó khăn nữa đối với Tấn Anh là về nhân công. Tấn Anh cho biết: “Lúc đứng ra mở xưởng, tôi thuê đến 30 nhân công làm công việc bóc nhãn, mở nắp chai nhựa và đứng máy. Nhưng người nông dân vốn chưa quen với phong cách làm việc kiểu công nghiệp nên công việc thường xuyên trì trệ. Nhựa tái chế bị tồn và sẫm màu, dẫn đến không ai mua. Tôi bèn mày mò, đọc sách nghiên cứu sáng tạo dây chuyền hệ thống máy tự động thay cho sức người. Đầu tiên, máy bóc nhãn ra đời đã thay thế cho 25 lao động”.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà xưởng, Tấn Anh chỉ cho chúng tôi xem công trình anh đã dày công sáng chế trong 2 năm (2008 - 2009) gồm: máy bóc nhãn, băng chuyền, máy nghiền, dàn máy rửa (5 máy) và máy li tâm tự động. Với thành quả nghiên cứu đầy tính sáng tạo và táo bạo này, từ quy mô sản xuất lúc đầu chỉ khoảng 300 - 500kg hạt nhựa thô/ngày, đến nay, cơ sở của anh đã phát triển đến 1 - 2 tấn/ngày. Cùng với thành công của dây chuyền máy tự động, uy tín và tiếng vang của cơ sở chế biến nhựa tái sinh của anh ngày một lan xa. Đến nay, anh đã phát triển đến hơn 300 đối tác thu mua phế liệu khắp địa bàn tỉnh.

Đồng thời, mỗi tháng cơ sở của anh cung ứng khoảng 30 - 50 tấn hạt nhựa thô, đợt cao điểm lên đến 80 tấn cho các cơ sở làm cúc áo, dây khóa kéo hay vải nilông trong và ngoài nước.

Tấn Anh chia sẻ: “Với ý tưởng ban đầu là góp phần bảo vệ môi trường, nhưng nhận thức công việc này có thể gây tác động ngược lại nên ngay khi bắt tay vào sản xuất, tôi lập tức hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải đúng quy định. Chất thải rắn được tập kết đúng nơi, chất thải lỏng được xử lý qua hệ thống lọc 3 bể, đảm bảo cho nguồn nước ngầm thực sự an toàn. Sau khi cam kết bảo vệ môi trường, được UBND thị xã Cam Ranh (nay là TP. Cam Ranh) cấp phép, tôi bắt tay vào sản xuất”.

Đến nay, cơ sở của anh đã góp phần giải quyết việc làm cho 15 lao động cố định và khoảng 10 lao động thời vụ. Anh được đông đảo thanh niên địa phương thán phục và học tập.

NGỌC THẢO