Hiện nay, hình ảnh các quán nhậu đầy ắp thực khách, mặt đỏ bừng bừng tay nâng ly bia nốc ừng ực dường như đã trở thành quen thuộc.
Trước đây khoảng 20 năm, hiện tượng uống rượu, bia không phải là phổ biến. Chỉ có những dịp nào rất quan trọng, người ta mới tổ chức uống, thậm chí nhiều đám cưới “ngọt” cũng không có rượu, bia. Thế nhưng, càng ngày lượng người uống càng nhiều lên và “đô” uống cũng tăng, thậm chí bây giờ nhiều cô gái nhậu không kém các bậc nam nhi. Số liệu về số bia tiêu thụ ở Việt Nam trong năm qua là 2,8 tỷ lít bia/năm, tính bình quân khoảng trên 35 lít bia/người (trên 15 tuổi) là một con số khổng lồ bởi chẳng mấy nước trên thế giới “đạt” được kỷ lục ấy. Đó là chỉ nói về số lượng bia được sản xuất và tiêu thụ được kiểm soát, thực tế thì lượng rượu bia trôi nổi lớn hơn rất nhiều. Ngày trước, nhậu chỉ giới hạn trọng một vài giới, nhưng ngày nay giới nào cũng nhậu. Thời gian buổi chiều, tối lẽ ra dành cho việc rèn luyện thể thao, chăm sóc gia đình, nghiên cứu, thụ cảm nghệ thuật… thì lại bị họ “nướng sạch” trên các bàn nhậu.
Việc nhậu nhẹt bây giờ giống như một nhu cầu chứ không đơn thuần là chuyện ăn uống. Anh T. là cán bộ công chức của một cơ quan khá quan trọng. Cứ đến chiều, anh lại nhận được những cú điện thoại mời mọc từ bạn bè chiến hữu đến những người cần nhờ vả, cảm ơn hay có quan hệ làm ăn. Đi mãi cũng ngại, nhưng không đi thì lại “nhớ” nên hầu như một tuần có 7 buổi thì anh đi nhậu hết 6 buổi. Nhiều người có thể ăn nhậu vì nhiều lý do khác nhau nhưng điều đáng nói là trong mỗi “cuộc vui”, lượng rượu bia mà họ nạp vào người rất nhiều. Nói một cách công bằng, việc uống rượu, bia chẳng có gì xấu nếu uống với liều lượng vừa phải. Tuy nhiên, nếu uống nhiều sẽ gây tác hại rất lớn vì lúc say xỉn, người ta không còn làm chủ được bản thân, không kiểm soát được hành vi của mình. Điều đáng lo ngại hơn, nếu uống rượu, bia hàng ngày với số lượng lớn thì nguy cơ bệnh tật rất cao. Thực ra, ai cũng biết rượu, bia là chất gây nghiện, nếu đã nghiện thì rất khó bỏ hoặc nếu có quyết tâm cũng rất dễ uống lại khi có dịp. Điều nguy hiểm là mức độ của nó tương đối nhẹ và khó nhận biết nên nhiều người chủ quan. Mỗi khi đã uống vào, người uống có cảm giác thỏa mãn và quên đi những tác hại mà rượu, bia có thể gây ra.
Vậy nguyên nhân nào khiến người ta phải tìm đến men rượu thường xuyên và việc lạm dụng bia, rượu được rất nhiều đối tượng, nhất là giới thanh niên, chấp nhận như hiện nay? Trước hết, cần nói đến sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia. Khi mới bước vào nền kinh tế thị trường, không phải ai cũng biết uống rượu, bia, thế nhưng với phương thức tạo thói quen cho người tiêu dùng, các hãng rượu, bia đã biến sản phẩm của họ trở thành một nhu cầu xã hội. Chẳng hạn như, hãng bia H. đã từng đánh đồng thương hiệu của mình với đẳng cấp sang trọng trong các “sô” quảng cáo, khiến giới sành điệu chỉ uống bia H. khi làm ăn với đối tác. Dần dà, quan niệm ấy trở nên phổ biến và việc uống rượu, bia trở thành bình thường, thậm chí người không biết uống hoặc uống không được nhiều còn bị chê là không bình thường. Mặt khác, sự kiểm soát của Nhà nước về rượu, bia còn rất lỏng lẻo: hầu như không hề có quy định nào liên quan đến việc này, ai cũng có thể uống, rượu bia được bày bán ê hề, công khai khiến người dân mua bia rất dễ dàng. Anh H. - một doanh nhân thường xuyên đi nước ngoài cho biết, ở Mỹ, người ta quy định rất chặt chẽ về tuổi được uống rượu bia, nếu người bán biết mà vẫn bán thì bị phạt rất nặng. Hoặc ở Singapore, để mua được một “thùng ken” cực kỳ khó và rất đắt bởi Chính phủ hạn chế việc bán rượu, bia… Một nguyên nhân khác cũng đáng tranh luận là tình trạng bế tắc của một bộ phận xã hội vốn mượn rượu, bia như là công cụ để… giải sầu, chạy trốn thực tại.
Tuy nhiên, dù ở góc độ nào, tác hại rượu, bia gây ra cho sức khỏe người uống nói riêng và đời sống xã hội nói chung là rất lớn. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm, cần được giải quyết trước khi nó trở thành một vấn nạn thực sự của xã hội.
QUANG HUY