Tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình và duy trì sự bền vững của các giá trị này trong cuộc sống hiện đại là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, đoàn thể ...
Tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình và duy trì sự bền vững của các giá trị này trong cuộc sống hiện đại là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, đoàn thể và mỗi gia đình hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Nhiều mô hình câu lạc bộ gia đình hoạt động hiệu quả
Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và tổ chức hoạt động nhiều câu lạc bộ (CLB) gia đình như: CLB “Ông - bà - cháu”, CLB “Không sinh con thứ 3”, CLB “Gia đình trẻ”, CLB “Gia đình phát triển bền vững”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Tiền hôn nhân”, các mô hình gia đình họ tộc nhiều thế hệ tiêu biểu, gia đình hiếu học, gia đình văn hóa… Những mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Trong số đó, mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững” đang mang lại hiệu quả tích cực. Với nhiều hoạt động phù hợp với từng đối tượng, điểm đặc biệt của mô hình này là thu hút được tất cả thành viên gia đình tham gia vào CLB. Qua các buổi sinh hoạt, những kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn; phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; lồng ghép tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thể hiện bằng nhiều hình thức như thơ, ca, hò vè, múa, hát, tiểu phẩm vui… thực sự là sân chơi bổ ích cho các thành viên CLB. Những buổi sinh hoạt CLB đã giúp cho các gia đình có thêm kiến thức về nuôi trồng, làm ăn, nuôi dạy con cái, cung cấp và giáo dục kỹ năng sống cho các thành viên từng gia đình. Những gia đình khó khăn về vốn còn được hỗ trợ để phát triển kinh tế. Hoạt động của các CLB góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ từng thành viên trong gia đình cũng như láng giềng, cộng đồng. Hoạt động của các CLB nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, hình thành những giá trị mới văn minh, tiến bộ phù hợp với pháp luật hiện hành. Mô hình này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về vai trò, vị trí, chức năng của gia đình hiện nay.
Vì mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và bền vững
Theo ông Trịnh Công Ấn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải quyết các vấn đề mang tính xã hội về gia đình trong điều kiện nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế đang là thách thức lớn hiện nay. Để nền tảng của gia đình Việt Nam phát triển bền vững thời hội nhập, cần có sự chung sức của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc phối hợp chỉ đạo các biện pháp thực hiện để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng thực chất đi vào chiều sâu và phát triển bền vững. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được lồng ghép các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương và đời sống của nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác gia đình thời gian qua, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu nhằm hướng đến xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra mục tiêu và những nhiệm vụ tiếp tục triển khai công tác gia đình năm 2011 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Đó là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác gia đình; chủ động rà soát, đánh gia tình hình hoạt động gia đình tại địa phương; xây dựng và triển khai các kế hoạch để giải quyết những khó khăn thách thức về gia đình và công tác gia đình. Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, Đề án về “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giai đoạn 2011-2020” trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hình thức hoạt động của các loại hình CLB, tổ hòa giải. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như: Kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; phát huy tính tự giác, chủ động của các gia đình trong việc xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nghiêm tức các hương ước, quy ước của cộng đồng, quy chế dân chủ ở cơ sở. Giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trong năm 2011, sẽ điều tra, khảo sát, xây dựng cở sở dữ liệu, các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cần kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
N.D