Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, biết bao thế hệ người Việt Nam đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu cho việc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển, đảo thân yêu của mình.
Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Việt nam giữa biển Đông |
Từ nhiều năm nay, nhất là những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay, trên biển Đông đang tồn tại những tranh chấp biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, tác động đến quốc phòng và an ninh nước ta. Trên biển Đông vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển 7 nước trong khu vực là: Trung Quốc (phía Bắc), Campuchia và Thái Lan (Tây Nam), Philippin, Malaysia, Indonesia, Brunei (phía Đông, Đông Nam và Nam). Nơi đây đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, đẩy tới xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự. Họ tận dụng ưu thế của mình trên biển để đe dọa chủ quyền vùng biển đảo, thềm lục địa của nước ta, gây ra những nhân tố khó lường về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước.
Những diễn biến trên biển Đông, với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự, tuần tra trên biển, bắt giữ tàu thuyền, phương tiện của ta trên biển tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã khiến dư luận rất bức xúc. Đặc biệt là sự kiện 3 tàu của Trung Quốc liên tiếp cắt, phá cáp của tàu Việt Nam ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã đi ngược lại trách nhiệm, nghĩa vụ thể diện của một quốc gia thành viên Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ, lên án, phản đối mãnh liệt ở trong nước và ngoài nước. Lòng yêu nước đã trỗi dậy, sôi sục trong mỗi người Việt Nam.
Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng công lý và tiến bộ, một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm phát triển, đã chống chọi với nhiều thế lực thù địch mang tham vọng bá quyền. Nhân dân Việt Nam, từng người dân Việt Nam hiền lành, chất phát, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động xây dựng đất nước ngày một hùng cường mà tổ tiên đã gây dựng qua bao thế hệ. Nhưng trong mỗi con người Việt Nam lại tiềm ẩn bên trong lòng yêu nước nồng nàn cháy bỏng, lòng tự tôn dân tộc dâng trào, sự căm ghét tới xương tủy mọi sự xâm lăng, gây hấn xâm phạm chủ quyền đất nước.
Lịch sử đã chứng minh một dân tộc Việt Nam nhỏ bé, khiêm nhường đã đánh đuổi bao kẻ ngoại bang xâm lấn, cướp nước to lớn, hùng mạnh, tàn bạo gấp trăm nghìn lần. Kẻ thù có mạnh tới đâu, đại bác, tàu chiến có to lớn tới đâu cũng không thể khuất phục, đè bẹp được truyền thống yêu nước nồng nàn, cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn chiến thắng mọi thế lực bạo tàn để khẳng định một chân lý bất diệt “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
NGUYỄN QUỐC NINH
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa)