07:06, 28/06/2011

Cảnh giác với tai nạn bỏng

Theo các bác sĩ, bỏng là một trong những bệnh khó điều trị và việc điều trị rất tốn kém. Chính vì vậy, mọi người cần cảnh giác với tai nạn bỏng, bởi thực tế đã có không ít trường hợp chỉ vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà phải chịu hậu quả nặng nề do bỏng gây ra.

Theo các bác sĩ, bỏng là một trong những bệnh khó điều trị và việc điều trị rất tốn kém. Chính vì vậy, mọi người cần cảnh giác với tai nạn bỏng, bởi thực tế đã có không ít trường hợp chỉ vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà phải chịu hậu quả nặng nề do bỏng gây ra.

. Những trường hợp bỏng hy hữu

Khi chúng tôi đến thăm cách đây vài ngày, chị N.T.K.C, 21 tuổi ở Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn nằm trên giường bệnh. Chị không thể nằm ngửa hay nghiêng, mà phải nằm sấp để lộ toàn bộ vùng lưng, mông bị cháy đen, phồng rộp. Không những thế, toàn bộ phần da phía trong 2 cánh tay, ngực và bụng chị cũng bị cháy đen, để lại sự đau đớn khôn tả. Tuy nhiên, đau xót hơn đối với chị là giờ đây đứa con trai mới hơn 1 tháng tuổi đã phải xa mẹ, ở với bà nội và bú sữa bình. Chị C cho biết, chị mới sinh con hơn một tháng. Hôm chuẩn bị lễ đầy tháng cho con, chị được mẹ chồng cho tắm nước lá, xông rượu và hơ than. Không may, trong khi chị đang xông rượu thì một số giọt rượu văng vào chậu than để cạnh đó gây cháy, khiến chị bị bỏng. Các bác sĩ cho biết, chị C bị bỏng độ 2, diện tích 30% cơ thể. Việc điều trị chắc chắn mất nhiều thời gian và rất tốn kém.

Bé Đ.V.T bị bỏng do ngồi vào nồi canh, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Cùng phòng bệnh với chị C. tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa còn có 2 em bé cũng bị bỏng mà nguyên nhân do sự chủ quan của người lớn. Bé Đ.V.T, 3 tuổi ở Khánh Nam (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bị bỏng toàn bộ phần mông do ngồi vào nồi canh mẹ vừa nấu xong đặt dưới đất. Còn bé N.T.K.H, 21 tháng tuổi ở Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị bỏng toàn bộ khuôn mặt và hai chân. Nguyên nhân do bé chạy nhảy đạp trúng nồi canh chua mẹ để dưới đất, canh đổ lênh láng, bé bị té, nước canh nóng táp vào mặt gây bỏng.

Theo các bác sĩ, việc điều trị bỏng rất phức tạp và tốn kém, vì thế mọi người cần phải cảnh giác, không nên chủ quan với tai nạn bỏng. Những trường hợp như chị C., bé T., bé H. chỉ là số ít trong số rất nhiều vụ tai nạn bỏng đã được điều trị tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng BVĐK tỉnh thời gian qua. Nguyên nhân của những trường hợp này hầu hết đều do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

. Điều trị bỏng thế nào?

Khi bị bỏng, tốt nhất là ngâm, rửa ngay vết thương vào nước lạnh sạch khoảng 10 - 20 độ C từ 15 - 20 phút, không dùng nước đá và đá lạnh. Sau đó, dùng băng vải sạch để băng ép nhẹ vùng bị bỏng rồi chuyển người bệnh đến BV. Không nên bôi bất cứ thứ gì theo kinh nghiệm lên vết bỏng lúc đó vì sẽ làm bệnh nhân (BN) thêm đau đớn hoặc nhiễm khuẩn. Đó là lời khuyên của Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng BVĐK tỉnh Khánh Hòa.

Cũng theo bác sĩ Chính, mức độ nặng hay nhẹ của một trường hợp bị bỏng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như diện tích bỏng, độ sâu của bỏng (mức độ tổn thương nông hay sâu trên da - bỏng càng sâu thì càng nặng), tuổi BN hay khi bị bỏng nạn nhân có bị các chấn thương khác kết hợp hay không... Ngoài ra, tiên lượng nặng hay nhẹ với BN bỏng còn chịu ảnh hưởng của việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu đúng hay sai, kịp thời hay không kịp thời.

Việc điều trị bỏng bao gồm điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ vết bỏng. Điều trị toàn thân nhằm mục đích dự phòng hay điều trị các biến chứng toàn thân do bỏng gây nên. Ngoài ra, việc điều trị toàn thân còn được hiểu là những biện pháp nhằm cung cấp cho BN chế độ dinh dưỡng tốt hơn, nâng đỡ thể lực, tinh thần của BN để giúp họ vượt qua bệnh tật. Điều trị tại chỗ vết bỏng là những biện pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để vết bỏng tự khỏi (trong trường hợp bỏng nông) hoặc can thiệp bằng phẫu thuật (trong trường hợp bỏng sâu) để làm liền vết bỏng. Đối với bỏng nông, thuốc điều trị vết bỏng có các nhóm như nhóm chống nhiễm khuẩn vết bỏng, nhóm tạo môi trường thuận lợi cho việc tái biểu mô của vết bỏng. Nên nhớ thuốc tại chỗ chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình liền vết bỏng nông chứ không quyết định việc khỏi hay không khỏi vết bỏng nông, bởi bỏng nông là bỏng tự khỏi cho dù có thuốc hay không có thuốc. Đối với bỏng sâu, thuốc tại chỗ có tác dụng thúc đẩy tan rữa hoại tử bỏng và chống nhiễm khuẩn, thuốc không làm vết bỏng sâu tự liền mà cần phải can thiệp phẫu thuật. Hiện nay, trong dân gian có khá nhiều bài thuốc chữa bỏng, tuy nhiên chưa có bài thuốc nào chính thức được hội đồng khoa học thẩm định và công nhận.

Lời khuyên của các bác sĩ đối với BN bỏng là không nên tự ý dùng các thuốc điều trị vết bỏng khi chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chất của vết bỏng nông hay sâu. Càng không có một loại thuốc nào giúp tránh được sẹo bỏng. Có sẹo hay không có sẹo, sẹo tốt hay xấu phụ thuộc nhiều yếu tố mà trước hết có tính chất quyết định đó là tính chất bỏng nông hay sâu, sau đó là các yếu tố liên quan đến cơ địa, điều trị và chăm sóc sau khi khỏi... Tất cả những quảng cáo nói rằng, thuốc làm vết bỏng không có sẹo đều không có căn cứ khoa học.

NGỌC KHÁNH