Chưa đầy 1 tuần luyện tập nhưng trong buổi mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5-6), ngày Đại dương Thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 tại Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) sáng 5-6, trong không khí hân hoan và niềm vinh dự,...
Chưa đầy 1 tuần luyện tập nhưng trong buổi mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5-6), ngày Đại dương Thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 tại Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) sáng 5-6, trong không khí hân hoan và niềm vinh dự, 1.500 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa đã hoàn thành xuất sắc bài biểu diễn về việc xếp hình bản đồ Việt Nam, lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Thành quả tuyệt vời ấy không chỉ thể hiện rõ tình yêu đất nước nồng thắm, mà còn là lời cam kết về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của lớp ĐVTN.
Xuất phát từ ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ nói riêng, toàn xã hội nói chung nhận thức rõ vai trò, giá trị của môi trường và tài nguyên biển đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2011 diễn ra tại TP. Nha Trang, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức chương trình xếp hình bản đồ Việt Nam bởi 1.500 ĐVTN với chủ đề “Nối vòng tay lớn” để xác lập kỷ lục Guiness. Chương trình này được đông đảo ĐVTN hưởng ứng. Tuy đang mùa thi cử, nhưng các ĐVTN Trường Cao đẳng Y tế đã không ngần ngại tiếp quản nhiệm vụ, dành những giờ phút hiếm hoi cuối ngày để tham gia tập luyện.
Bản đồ Việt Nam được xếp bởi 1.500 đoàn viên thanh niên. |
“Tấm” bản đồ Việt Nam xếp từ 1.500 người được hoàn chỉnh chỉ sau 3 buổi tập luyện. Tối ngày thứ ba, toàn bộ ê-kÍp tiến hành hoàn thiện phần đất liền hình chữ S và bắt tay vào tượng hình các đảo, quần đảo. Lần đầu tiên chứng kiến việc các bạn ĐVTN tiến hành xếp bản đồ, chúng tôi đã không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Khi đạo diễn Vũ Bá Cương phát lệnh cho các bạn sinh viên tiến hành xếp đội hình chữ S, chưa đầy 3 phút sau, các ĐVTN đã hàng lối chỉnh tề trong đội hình bản đồ Việt Nam. Và trong lễ mít tinh ngày 5-6, dù đã nhiều lần được “mục sở thị” cảnh tượng ấy, tôi vẫn không khỏi xúc động vì tin rằng: Điều đó chỉ có thể thực hiện bằng sức mạnh của tình yêu đất nước của các bạn ĐVTN, của ý thức rõ ràng về từng vị trí của mảnh đất mình đang đứng. Rất háo hức khi được chọn đứng ở vị trí tiền tiêu, nơi đỉnh đầu Tổ quốc, 2 bạn Đỗ Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Ngọc Thúy cho biết: “Em thực sự cảm thấy hạnh phúc. Sau bao ngày nỗ lực tập luyện và chờ đợi, cuối cùng em cũng được đứng chân nơi đây để đóng góp một “phần đất” trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần hoàn thiện và tôn vinh vẻ đẹp của quê hương có hình chữ S với tiềm năng biển rộng mở cần được gìn giữ, phát huy”. Trong khi đó, trở thành hình tượng người chiến sĩ biểu trưng cho 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bạn Trần Trung Quốc và Phạm Huy Hoàng xúc động chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi đại diện cho ĐVTN tỉnh nhà đứng chân vào tấm bản đồ Việt Nam để đánh dấu lãnh thổ 2 quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Hôm nay, có mặt nơi đây, ĐVTN chúng tôi cùng với nhân dân Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung khẳng định một lần nữa Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam; chúng tôi nguyện sẽ làm hết sức mình để bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng ấy”.
Bản đồ Việt Nam (phần đất liền) sau khi hoàn thiện có chiều dài 43,2m; chiều ngang nơi rộng nhất là 12,8m, nơi hẹp nhất 1,6m. Bằng kỹ thuật đồ họa, kết hợp với phương pháp thủ công và nhãn quan của người làm nghệ thuật, “tấm” bản đồ với số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay của Việt Nam được người chiêm ngưỡng đánh giá đảm bảo độ chính xác khoa học đến hơn 90% so với tỉ lệ bản đồ thực tế ngay ở những đường cong, độ xéo, các phần lãnh thổ nhô ra, lõm vào. Ngoài kỷ lục Guiness được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận, món quà quý giá nhất đối với các bạn ĐVTN chính là đã góp phần công sức vào việc tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
NGUYỄN NGỌC