03:05, 31/05/2011

Xuất khẩu lao động: Còn nhiều khó khăn

Xuất khẩu lao động được coi là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động thoát nghèo nhanh và bền vững.

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được coi là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động (NLĐ) thoát nghèo nhanh và bền vững. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đến việc tìm kiếm những thị trường có uy tín, nhằm mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn và đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

. Đẩy mạnh hoạt động

Theo thống kê của Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 796.038 người trong độ tuổi lao động (LĐ). Trong đó, 522.715 người có việc làm và 75.196 người chưa có việc làm. Số này tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Những số liệu trên cho thấy, tình hình việc làm vẫn đang là vấn đề “nóng”, cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm tìm hướng giải quyết.

Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, ngoài công tác tìm kiếm, tạo việc làm tại chỗ cho NLĐ, các cấp, các ngành còn chú trọng đến việc tìm kiếm thị trường XKLĐ có uy tín. Qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm có thu nhập cao cho NLĐ của địa phương. Sở LĐ - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh nhằm chuyển tải thông tin tuyển dụng đến tận xã, phường, thị trấn... để NLĐ có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nắm bắt, tham gia. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp (DN) XKLĐ trong và ngoài tỉnh tham gia đăng ký tuyển dụng LĐ của địa phương. Nhờ đó, số lượng các DN XKLĐ đăng ký tuyển LĐ tăng nhanh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tiêu biểu như: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn, Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty XKLĐ Thương mại và Du lịch…

Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết “Bình quân, mỗi năm các DN XKLĐ có nhu cầu tuyển dụng từ 400 - 600 LĐ đi làm việc tại: Malaysia, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Liên bang Nga... Thế nhưng, hiện nay tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu LĐ cho các nhà tuyển dụng. Và chúng ta vẫn đang bỏ lỡ một hướng đi tốt trong việc giải quyết việc làm cho NLĐ của địa phương”.

. Còn nhiều khó khăn

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn và tạo điều kiện để người LĐ hiểu và tham gia dự tuyển xuất khẩu LĐ.
Hiện nay, hoạt động XKLĐ đang gặp khó khăn và chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN hàng năm luôn cao hơn kế hoạch của tỉnh đề ra. Nhiều DN không tuyển được LĐ trong năm do không có người dự tuyển. Nguyên nhân do việc khảo sát đánh giá nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của các địa phương chưa làm thường xuyên. Từ đó, dẫn đến việc xác lập chỉ tiêu kế hoạch XKLĐ hàng năm và từng thời kỳ thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ tham gia dự tuyển XKLĐ cũng chưa có sự hợp tác tích cực từ phía chính quyền cơ sở mà chủ yếu do các DN XKLĐ tự làm thông qua các phiên giao dịch việc làm nên hình thức tuyên truyền và thông tin còn đơn điệu, không sâu rộng. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo nguồn LĐ để XKLĐ. Nhất là tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có việc làm, thu nhập cao sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, chất lượng nguồn LĐ chưa đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng về: trình độ học vấn, ngoại ngữ, nghiệp vụ, tác phong công nghiệp, khả năng hòa nhập… Trong lĩnh vực chính sách, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương đến nay tỉnh vẫn chưa có biện pháp cũng như chính sách nào hỗ trợ cho NLĐ để tham gia XKLĐ…

. Giải pháp lâu dài

Để XKLĐ trở thành hướng giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, các cơ quan ban, ngành của địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác XKLĐ. Đặc biệt là tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích NLĐ tham gia học ngoại ngữ, học nghề. Đồng thời, tăng cường giáo dục định hướng để tạo nguồn LĐ có chất lượng, đủ điều kiện dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập cao. Bên cạnh đó, cần thành lập Quỹ hỗ trợ XKLĐ để hỗ trợ LĐ thuộc diện cận nghèo, bộ đội xuất ngũ và gia đình khó khăn được vay vốn ưu đãi đủ chi phí xuất cảnh. Tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo các DN XKLĐ có đủ năng lực tham gia tuyển chọn và đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với các DN XKLĐ để tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng, tạo nguồn LĐ để XKLĐ; tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền XKLĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thường xuyên tổ chức tư vấn trực tiếp cho NLĐ tại các địa phương có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội cho biết: “Các ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích về lợi ích của công tác XKLĐ cho người dân; tăng cường mở các lớp đào tạo nghề mà thị trường LĐ đang có nhu cầu tuyển dụng. Về phía các DN tuyển dụng LĐ, cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người tham gia XKLĐ, nhất là khi có những vấn đề phát sinh xảy ra. Có như vậy, thời gian tới, thị trường XKLĐ tại Khánh Hòa mới có thể khởi sắc”.

PHÚ VINH