Tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật toàn quốc Hội Tai Mũi Họng Việt Nam vừa tổ chức ở Nha Trang, báo cáo về 3 trường hợp phẫu thuật vá màng nhĩ cấp cứu trong chấn thương tai thủng màng nhĩ của nhóm bác sĩ Bệnh viện Quân dân miền Đôn...
Tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật toàn quốc Hội Tai Mũi Họng Việt Nam vừa tổ chức ở Nha Trang, báo cáo về 3 trường hợp phẫu thuật vá màng nhĩ cấp cứu trong chấn thương tai thủng màng nhĩ của nhóm bác sĩ (BS) Bệnh viện Quân dân miền Đông đã gây được sự chú ý của các đại biểu. Báo cáo cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ nhưng nếu được điều trị phẫu thuật sớm, màng nhĩ sau vá sẽ liền tốt, sức nghe được cải thiện, đồng thời tránh được những di chứng hoặc biến chứng về sau.
Theo BS Nguyễn Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Quân dân miền Đông, chấn thương tai nói chung và chấn thương thủng màng nhĩ nói riêng là bệnh lý thường gặp. Ngoài nguyên nhân do tai nạn giao thông, còn do nhiều nguyên nhân khác như: tai nạn sinh hoạt (thường gặp do ngoáy tai), chấn thương đụng dập, hỏa khí, áp lực, đả thương, côn trùng cắn… Sau chấn thương, bệnh nhân (BN) thường có biểu hiện nghe kém, ù tai, chóng mặt. Việc điều trị không kịp thời và đúng cách sẽ dễ gây biến chứng viêm tai giữa, viêm tai xương chũm để lại di chứng nghe kém, ù tai, màng nhĩ dính vào thành trong hòm nhĩ…
Khám tai tại bệnh viện đa khoa tỉnh |
BN thứ hai là anh L.V.D, 23 tuổi, ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), nhân viên Khu du lịch Suối Tiên. Anh D. cho biết trong lúc anh đang làm việc tại Khu du lịch thì bị chất nổ dùng trong trò chơi nổ và gây chấn thương tai phải. Sau tai nạn, BN bị đau tai, ù tai, chảy máu tai, nghe kém tai phải. Nội soi cho thấy tai phải của BN bị thủng vùng trung tâm, bờ lỗ thủng hình nan hoa cuộn lại về phía hòm nhĩ. Kết quả đo thính lực đồ cho thấy tai trái bình thường, tai phải điếc độ 2.
BN thứ ba là anh T.V.P, 26 tuổi ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), nhân viên y tế. Anh P. cho biết trong lúc anh đang ngủ thì bị côn trùng (không rõ loại) chui vào tai phải cắn rách màng nhĩ. Sau đó, anh đến Trạm Y tế phường khám, gắp côn trùng ra và được cấp thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, triệu chứng đau nhức tai, ù tai, nghe kém ngày càng tăng nên anh đã đến bệnh viện để khám. Kết quả nội soi tai cho thấy tai phải của anh P. bị trầy xước viêm mạc ống tai, màng nhĩ thủng rộng trung tâm, bờ gọn thành nhiều mảnh co cuộn vào trong hòm nhĩ; đo thính lực đồ thấy tai trái bình thường, tai phải điếc độ 1.
Cũng như anh T., các anh D., P. được các BS sử dụng các dụng cụ vi phẫu thuật tai giữa, kính hiển vi phẫu thuật để vá màng nhĩ. Đến nay, sau 6 tháng phẫu thuật, kết quả đạt được như sau: BN T. tai trái bình thường, tai phải còn điếc độ 1 do vẫn còn 1 lỗ thủng khoảng 1mm trong tai. BN D. cả 2 tai đều nghe tốt. BN P. tai trái bình thường, tai phải giảm sức nghe không đáng kể.
Theo BS Trà Văn Hiên, người đã tham gia các ca phẫu thuật trên, ngoài tai nạn giao thông còn có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ, vì thế người dân cần có biện pháp đề phòng, đặc biệt cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động để tránh tai nạn đáng tiếc. BS Hiên nhận xét: “Cơ chế chấn thương gây thủng màng nhĩ thường là trực tiếp, vì thế nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dễ để lại di chứng về sau, làm giảm sức nghe lâu dài, trong khi việc điều trị tiếp theo rất tốn kém. Chấn thương màng nhĩ do khí nổ thường làm màng nhĩ tổn thương nặng nề (lỗ thủng rộng, bờ nham nhở) hơn tổn thương do những nguyên nhân khác. Đối với các trường hợp bị chấn thương, vết thương gây tổn thương thủng màng nhĩ là một cấp cứu chuyên khoa. Màng nhĩ sau khi bị chấn thương làm thủng thường có khuynh hướng co cuộn lại làm tăng diện tích lỗ thủng. Vì thế việc khám và điều trị phẫu thuật (đối với trường hợp lỗ thủng màng nhĩ lớn) sẽ góp phần vá liền tốt và cải thiện sức nghe tốt hơn, đồng thời tránh được biến chứng và di chứng về sau.
NGỌC KHÁNH