07:05, 15/05/2011

Ưu việt hơn cho bệnh nhân

Sau khi báo Khánh Hòa số 3310, ngày 10-5-2011 đăng bài: “Vá màng nhĩ cấp cứu trong chấn thương tai thủng màng nhĩ: Cải thiện chức năng nghe cho bệnh nhân”,...

Ảnh minh họa 
Sau khi báo Khánh Hòa số 3310, ngày 10-5-2011 đăng bài: “Vá màng nhĩ cấp cứu trong chấn thương tai thủng màng nhĩ: Cải thiện chức năng nghe cho bệnh nhân”, ngày 11-5, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Xáng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện BVĐK tỉnh Khánh Hòa đang áp dụng phương pháp Paper patch để vá màng nhĩ (MN) cho bệnh nhân (BN). So với phương pháp được nêu trong bài báo, phương pháp Paper patch có nhiều điểm ưu việt hơn như: BS không phải dùng dao kéo, BN không phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ, ca mổ tiến hành trong khoảng 15 - 30 phút và sau mổ BN có thể ra về ngay, không cần nằm viện…

Ngày 12-5, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Thanh Phương, 37 tuổi ở phường Tân Lập (Nha Trang) khi chị vào Khoa Tai Mũi Họng (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) để tái khám sau 1 tháng được các BS vá MN bằng phương pháp Paper patch. Chị Phương cho biết, tai chị hiện nghe rất rõ, đặc biệt không bị đau nhức hay ù tai như trước. Chị kể cách đây khoảng 1 tháng, trong khi chơi đùa, 2 đứa con chị vô tình vung chiếc cặp đi học đập vào đầu phía tai phải của chị. Sau đó, chị cảm thấy chóng mặt, ù tai và nghe không rõ. Ngày hôm sau, chị đến BVĐK tỉnh khám. Sau khi xác định chị bị thủng MN tai phải, các BS đã tiến hành vá MN cấp cứu cho chị bằng phương pháp Paper patch. “Ca mổ được tiến hành rất nhanh, rất nhẹ nhàng. Sau mổ tôi ra về ngay. Hiện nay tai tôi nghe rõ như chưa hề bị thủng MN”, chị Phương cho biết. Còn BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh thông báo, sau khi tái khám cho chị Phương, BS Dũng thấy MN tai phải của chị đã liền 100%. Và như vậy ca mổ đã thành công 100%.

Được biết đến thời điểm này, các BS Khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện hàng chục ca phẫu thuật vá MN cấp cứu cho BN bằng phương pháp Paper patch (trong 2 năm 2009 - 2010). Phương pháp này được miêu tả như sau: Khi BN đến khám, BS sẽ nội soi tai cho BN bằng ánh sáng lạnh hoặc dùng đèn soi tai để đánh giá lỗ thủng và tình trạng MN còn lại. Nếu lỗ thủng khoảng 4 - 5mm (không thủng hoàn toàn) và còn rớm máu thì sẽ dùng một mảnh giấy mỏng như giấy cuốn thuốc lá đặt lên trên lỗ thủng, bịt kín lỗ thủng. Thực tiễn cho thấy, đối với hầu hết BN, ngay sau khi đặt giấy xong, lập tức BN hết ù tai, chóng mặt và có thể ra về sau 10 - 15 phút. BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thường sau khi đặt giấy khoảng 1 tháng, MN sẽ tự liền lại và các BS sẽ tiến hành lấy giấy ra, trả lại MN lành lặn cho BN. “Điều quan trọng đối với phương pháp này là BN phải đến BV trước 72 giờ sau khi xảy ra sự việc dẫn đến thủng MN”, BS Dũng nhấn mạnh. Còn nếu BN đến sau 72 giờ hoặc BN bị viêm tai giữa mãn tính bệnh lý dẫn đến thủng MN, các BS sẽ áp dụng phương pháp khác, đó là phương pháp vá MN thường quy (vá bằng cân thái dương dưới kính hiển vi và hệ thống nội soi hiện đại). Tuy nhiên, với phương pháp này, BS sẽ phải sử dụng dao kéo để rạch da lấy cân, khâu vết mổ, BN sẽ phải gây mê và phải làm tất cả các xét nghiệm phức tạp như các cuộc phẫu thuật khác, sức khỏe BN bị ảnh hưởng, đó là chưa kể thời gian và chi phí nằm viện tốn hơn so với phẫu thuật bằng phương pháp Paper patch.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, chấn thương tai nói chung và chấn thương thủng MN nói riêng là bệnh lý thường gặp. Ngoài nguyên nhân do tai nạn giao thông còn do nhiều nguyên nhân khác như: tai nạn sinh hoạt (thường gặp do ngoáy tai), chấn thương đụng dập, hỏa khí, áp lực, đả thương, côn trùng cắn… Sau chấn thương, BN thường có biểu hiện nghe kém, ù tai, chóng mặt. Việc điều trị không kịp thời và đúng cách sẽ dễ gây biến chứng viêm tai giữa, viêm tai xương chũm để lại di chứng nghe kém, ù tai, MN dính vào thành trong hòm nhĩ… Vì thế BS Dũng khuyên người dân nên có biện pháp đề phòng các chấn thương tai, đặc biệt cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động để tránh tai nạn đáng tiếc. Cũng theo BS Dũng, cơ chế chấn thương gây thủng MN thường là trực tiếp, đôi khi gián tiếp do chấn thương áp lực, vì thế nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dễ để lại di chứng về sau, làm giảm sức nghe lâu dài, trong khi việc điều trị rất tốn kém. Để điều trị kịp thời các chấn thương tai thủng MN, BS Dũng khuyên BN nên đến BV sớm, tốt nhất trước 72 giờ sau tai nạn để được áp dụng phương pháp Paper patch, một phương pháp phẫu thuật có nhiều ưu điểm trong cấp cứu vá MN hiện nay.

NGỌC KHÁNH