11:05, 24/05/2011

Cần được can thiệp sớm

Bên ngoài hành lang, chị L.T.T kiên nhẫn nhìn theo từng động tác nhún nhảy, vui chơi của đứa con gái nhỏ đầu lòng. Mỗi tuần một buổi, vợ chồng chị lặn lội chở con từ Cam Ranh ra Nha Trang để bé theo học phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Bên ngoài hành lang, chị L.T.T kiên nhẫn nhìn theo từng động tác nhún nhảy, vui chơi của đứa con gái nhỏ đầu lòng. Mỗi tuần một buổi, vợ chồng chị lặn lội chở con từ Cam Ranh ra Nha Trang để bé theo học phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt (CNCĐB). Tuy đã gần 3 tuổi nhưng bé H., con gái chị T. vẫn gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp ngôn ngữ với mọi người, chưa thể điều khiển được xúc giác, cảm giác của mình...

. Thắp lên niềm hy vọng

Trong căn phòng kín chỉ một cô một trò, H. đang được chơi trò chơi vận động. Vừa cho H. chơi, cô giáo vừa nói: “H. ơi, nhảy ; H. ơi dừng lại” để tập cho bé sự phản ứng trong giao tiếp. Những lần đầu, H. chưa thực hiện lời nói của cô giáo mà cứ nhảy theo ý mình. Cô giáo phải lặp đi lặp lại hơn chục lần, H. mới nhảy và dừng lại theo đúng lời nói của cô. Cũng bằng cách thức như vậy, sau đó cô giáo tập cho H. bài tập xúc giác thông qua trò chơi nắm hạt đậu trong tay.

Ngồi phía ngoài, chị T không rời mắt khỏi con. Thỉnh thoáng, chị nởù nụ cười nhẹ nhàng khi thấy con chơi theo đúng hướng dẫn của cô giáo. Chị tâm sự: “Ở nhà, bé không nghe lời người lớn mà thường làm theo ý của bé, không biết dùng lời nói hay cử chỉ để giao tiếp với mọi người. Bé muốn ăn bánh nhưng không nhờ tôi bóc mà ném thẳng xuống đất; muốn uống nước thì đến chỗ bình nước và khóc”. Theo chị T., bé H. đã có những biểu hiện trên từ khi 1 tuổi. Càng lớn lên, hành vi bất thường của bé H. càng rõ nét. Vợ chồng chị T. đưa con đi khám ở TP. Hồ Chí Minh thì nhận được kết luận bé bị tự kỷ nhẹ. Qua người quen giới thiệu, chị T. đưa bé H. vào Trung tâm (TT) Hỗ trợ Phát triển Giáo dục đặc biệt (thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang) khi bé gần 2 tuổi. Sau hơn 1 năm theo học, bé H. đã có những tiến bộ đáng kể do được phát hiện và can thiệp sớm. Và một sự tình cờ, tôi được chứng kiến bé H. mạnh dạn hát bài “Con cò bé bé” trong buổi lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam mà TT vừa tổ chức. Tuy chưa tròn vành rõ chữ nhưng bé được như ngày nay đã là thành công lớn của các thầy cô trong TT và cả gia đình.

Càng phát hiện và can thiệp sớm trẻ CNCĐB thì khả năng hòa nhập của trẻ càng cao.
Với mục tiêu TT và gia đình cùng phối hợp dạy trẻ, các thầy cô luôn để phụ huynh (PH) theo dõi và tham gia các bài tập can thiệp; đồng thời tư vấn và hướng dẫn PH chơi với trẻ ở mọi lúc, mọi nơi nhằm nâng cao khả năng nhận biết thế giới xung quanh cho trẻ. Do vậy, khác với các TT dạy trẻ CNCĐB khác, các thầy cô ở đây chỉ dạy trẻ trong khoảng thời gian ngắn (từ 60 - 90 phút/ngày), phần lớn là gia đình phải tạo môi trường tốt để trẻ phát triển. Với 15 trẻ CNCĐB đang được can thiệp tại TT, các thầy cô đã xây dựng những kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với mức độ tật của trẻ. Không dừng lại ở việc can thiệp sớm, TT còn hướng tới việc đưa trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường. Vì vậy, nhiều năm qua, TT đã phối hợp với Trường Mầm non Thực Hành (Nha Trang) để thực hiện chương trình giáo dục khép kín đối với trẻ CNCĐB nhằm giúp các em sớm được hòa nhập.

. Học cách chăm trẻ đặc biệt

Tất cả sinh viên (SV) của Khoa Giáo dục đặc biệt (GDĐB) Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đều được kiến tập chuyên ngành thường xuyên và thực tập tốt nghiệp ở TT. Ban đầu, SV chỉ đứng ngoài quan sát các thầy cô đang dạy trẻ. Sau khi học được một số kỹ năng chuyên môn nhất định, SV mới được tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Bạn Nguyễn Thị Chung, SV lớp D4 chia sẻ: “Khi quan sát phương pháp can thiệp của thầy cô và nhất là trực tiếp tiếp xúc với trẻ, với PH, em mới thấy hết được trách nhiệm và sựï vất vả của nghề mà em đang theo học. Dạy trẻ bình thường khó một thì với những trẻ CNCĐB khó gấp 2, gấp 3. Sự chai lỳ cảm xúc, rối loạn cảm giác, hành vi, biểu hiện bất thường… của trẻ đòi hỏi người dạy không chỉ có chuyên môn, sự kiên nhẫn mà phải thật sự có tình thương đối với trẻ”.

Bên cạnh công tác giảng dạy tại TT, các thầy cô và SV tình nguyện trong khoa GDĐB còn đến từng gia đình để gặp gỡ và tư vấn cho các bậc PH. Điều này vừa tạo điều kiện cho SV được cọ xát thực tế vừa giúp các bậc PH hiểu thêm về phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ CNCĐB. Bởi trẻ càng được phát hiện và can thiệp sớm thì khả năng hòa nhập càng cao. Nhưng không phải PH nào cũng dễ dàng chấp nhận việc con em họ đang gặp những khó khăn trong phát triển. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Khoa GDĐB, Giám đốc TT cho biết: “Một số PH luôn cho rằng, con của họ rất bình thường, chỉ chậm nói hơn mấy trẻ khác mà không biết chậm nói là một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Để thay đổi nhận thức sai lầm đó, các thầy cô và SV phải kiên nhẫn thuyết phục bằng phương pháp quan sát, kiểm tra và đánh giá sự phát triển tâm lý, hành vi của trẻ ngay tại gia đình. “Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác GDĐB là làm sao để các bậc PH phát hiện sớm trẻ CNCĐB và phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để can thiệp và sớm đưa trẻ hòa nhập cuộc sống”, cô Thảo trăn trở.

HOÀNG DUNG